Vạn Điều Hay

3 kiểu người cố mãi cũng không thể hoàn thành mục tiêu: Nản chí, nôn nóng và đặc biệt là 1 điều này chính là kẻ ngáng đường nguy hiểm nhất

Chia sẻ

Con đường để thành công và làm chủ kỹ năng chẳng hề thẳng tắp. Nếu không cẩn thận, bạn sẽ mắc bẫy do chính mình tạo ra và mãi mãi dậm chân tại chỗ.

Isaac Newton từng nói: “Nếu tôi nhìn được xa hơn người khác, đó là nhờ đứng trên vai những người khổng lồ”.

Tác giả George Leonard chính là một người khổng lồ như thế. Ông là một nhà giáo dục người Mỹ, chủ tịch danh dự của Viện Esalen, cựu chủ tịch Hiệp hội Tâm lý học Nhân văn, đồng sáng lập ITP International, và là biên tập viên của Tạp chí Look. 

Từng tập và dạy môn Aikido suốt mấy chục năm, Leonard đã hiểu tường tận bí quyết để trở nên xuất chúng. Trong tác phẩm “Mastery” của mình, ông đã giải thích đề tài này bằng những ví dụ rất đỗi gần gũi. 

Ở phần đầu cuốn sách, Leonard đã bàn luận về 3 kiểu người không bao giờ hoàn thành được mục tiêu: “kẻ học đòi”, “kẻ ám ảnh” và “tin tặc”. Với biểu đồ mô tả chi tiết, ông đã giải thích cặn kẽ lý do thất bại của những người này. Rất có thể, bạn là một trong số họ.

Trước tiên, hãy nhìn vào cuộc đời của Tony.

Đầu năm nay, Tony tham gia một câu lạc bộ bóng rổ tại địa phương. Chỉ trong vài tuần, từ một người không biết rê bóng, anh đã có thể ném vài quả vào rổ. Anh rất vui khi trải qua những tiến bộ ban đầu này. 

Tuy nhiên, sau vài tuần tiếp theo, Tony đạt tới điểm chững. Dù đã nỗ lực hết mức, khả năng chơi bóng của anh vẫn chẳng cải thiện được nhiều. Anh vẫn chật vật với một số kỹ thuật. 

Vì bị chững lại, Tony không còn hào hứng với môn thể thao này nữa. Anh nghĩ: “Có lẽ bóng rổ không phù hợp với mình. Phải chăng mình nên thử một bộ môn khác?”. 

Vậy là Tony chuyển sang chơi bóng quần. Vì thấy bản thân tiến bộ chỉ sau vài tuần đầu tiên, anh nghĩ đây chính là môn thể thao phù hợp với mình, thậm chí còn đầu tư hẳn một cây vợt mới. 

Thế nhưng, trong khoảng thời gian tiếp theo, Tony lại đạt tới điểm chững. Hóa ra đây cũng không phải môn thể thao dành cho anh. Do đó, Tony nghĩ tới việc chuyển sang học bơi.

Tony chính là một “kẻ học đòi”.

“Kẻ học đòi” là kiểu người luôn thèm thuồng những điều mới mẻ. Giống như con chim ác luôn bị thu hút bởi các món đồ lấp lánh, “kẻ học đòi” cũng bị mờ mắt bởi sự mới lạ. Anh ta gần như không thể kiểm soát được cảm giác hào hứng ban đầu của mình. 

Sự hào hứng khiến Tony thăng hoa và tiến bộ lúc ban đầu, vì thế anh ta cảm thấy vui mừng khôn xiết. Tuy nhiên, sẽ có một lúc anh ta bị rơi phong độ và chững lại. Vì nghĩ rằng mình chỉ có thể giỏi lên, việc bị chững lại là điều anh ta không thể chấp nhận được. 

Khi nguồn nhiệt huyết cạn kiện, “kẻ học đòi” sẽ tự thuyết phục bản thân rằng đây không phải lĩnh vực phù hợp với mình. Có thể nó quá cạnh tranh, hoặc chỉ là chẳng còn hay gì hay ho. Có lẽ đã đến lúc đi tìm một đam mê khác. George Leonard đã kết luận: “Kẻ học đòi thường có một bản lý lịch rất dài”.

Hãy nhìn vào cuộc đời của Jack. Bị béo phì đã nhiều năm, Jack đã quyết định giảm cân. Anh đăng ký tập ở phòng gym gần nhà, kiên trì luyện tập mỗi ngày. Trong vòng 1 tháng, Jack đã giảm được 2.7 kg. Anh rất háo hức đứng lên cân mỗi ngày. 

Tuy nhiên, vài tuần trôi qua, cơ thể Jack đã quen với sự thay đổi mà chế độ ăn và các bài tập đem lại. Vì thế, kết quả của anh bắt đầu chững lại. Bực mình, Jack tìm mọi cách để giảm mỡ nhanh hơn, thử cả những chế độ ăn kiêng không an toàn trên internet. 

Những tuần tiếp theo, Jack giảm được rất nhiều mỡ. Tuy nhiên, do thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết, sức khỏe của anh ngày càng xuống dốc. Jack bắt đầu mất ngủ; anh không còn đủ năng lượng để làm bất cứ thứ gì. 

Khi ý chí dần cạn kiệt, Jack bắt đầu ăn uống vô độ trở lại, hủy hoại toàn bộ quá trình giảm cân của mình.

Jack chính là một “kẻ bị ám ảnh”. 

Đây là kiểu người bị bệnh thành tích. Anh ta muốn đạt được kết quả ngay trong lần đầu thử sức. Anh ta sẵn sàng ở lại lớp chỉ để hỏi giáo viên bí quyết học tập. Anh ta đọc ngấu nghiến từng cuốn sách để tìm cách đẩy nhanh quá trình.

Nỗ lực của anh ta sẽ được đền đáp. Những tiến bộ ban đầu đúng như anh ta mong đợi. Tuy nhiên, theo thời gian, tất cả mọi người – trong đó có cả “kẻ bị ám ảnh” – sẽ bị chững lại. Thế nhưng, khác với “kẻ học đòi”, “kẻ bị ám ảnh” không đi tìm một niềm vui mới. 

Thay vào đó, anh ta sẽ lên kế hoạch để tiếp tục phát triển thần tốc. Anh ta nỗ lực gấp đôi bình thường, từ chối luyện tập điều độ. Anh ta thậm chí còn tìm đường tắt vì bị ám ảnh bởi thành tích tức thì, giống như nhiều người trong số chúng ta. 

“Kẻ bị ám ảnh” sẽ tìm cách để đẩy nhanh tốc độ tiến bộ một cách tuyệt vọng, rồi dần dần tự đẩy mình xuống dốc. Tuy nhiên, vì không hiểu được tầm quan trọng của điểm chững, anh ta ngày càng kiệt sức. George Leonard gọi đây là “một chuyến đi trắc trở tới sự thất bại chắc chắn”.

Hãy nhìn vào cuộc đời của Mike. Mike là một nhân viên phân tích dữ liệu khá giỏi. Tuy nhiên, anh ta không muốn tiến xa hơn. Mike thường xuyên đi làm trễ, hay nghỉ giữa giờ, rời văn phòng ngay khi hết giờ làm, thậm chí là sớm hơn. Anh chỉ làm vừa đủ để không bị đuổi. 

Khi Mike xin được thăng chức, sếp của anh từ chối. 1 tuần sau, Mike phát hiện rằng đồng nghiệp được thăng chức thay vì anh. Vô cùng cay cú, anh ta về nhà phàn nàn với vợ về chuyện này. 

Mike cho rằng chắc hẳn người kia phải dùng chiêu trò gì đó. Anh cố tình bỏ qua sự thật rằng đó là một nhân viên chăm chỉ. Mike không nhận ra rằng mình hoàn toàn không xứng đáng được thăng chức.

Mike chính là một “tin tặc”. 

Khác với “kẻ học đòi” hay “kẻ bị ám ảnh”, kiểu người này không bị ảnh hưởng bởi điểm chững. Sau khi đạt tới một trình độ nhất định, anh ta còn chẳng thèm cố gắng để đạt được cột mốc mới. Ví dụ: một vận động viên tennis vì đánh thuận tay giỏi nên nghĩ rằng không cần tập đánh trái tay nữa. 

“Tin tặc” cảm thấy thoải mái khi bị chững lại, thậm chí còn cho rằng điểm chững là nơi tuyệt vời để nghỉ ngơi. Hài lòng với hiện tại có thể là một dấu hiệu tốt, nhưng nếu cứ nghỉ ngơi mà không cố gắng, anh ta sẽ mãi ở lại điểm chững này.

Bạn sẽ nghĩ rằng con đường của người thành công sẽ là một đường thẳng tắp tiền dần lên cao. Tuy nhiên, sự thật lại không như vậy. 

Hãy nhìn vào cuộc đời của Jeremy – một người mới tập chơi tennis. 

– Điểm chững đầu tiên: Ngày đầu tiên học tennis, Jeremy được dạy cách đánh thuận tay. Hiển nhiên, anh sẽ nhiều lần thất bại trong giai đoạn này. 

– Tiến bộ đầu tiên: Tuy nhiên, sau nhiều cú vung vợt, Jeremy đã nắm được kỹ thuật và có thể đánh bóng liên tục. Đây là lúc anh thực hiện thành công một cú đánh thuận tay. 

– Cú lao dốc đầu tiên: Vì đã biết đánh thuận tay khi đứng một chỗ, giáo viên thử dạy Jeremy cách đánh thuận tay khi đang di chuyển. Sự thay đổi về không gian khiến anh bỡ ngỡ, ảnh hưởng một chút đến kỹ năng đầu tiên học được. 

– Điểm chững thứ hai: Vì tiến bộ đầu tiên nằm ở vị trí cao hơn cú lao dốc đầu tiên, điểm chững thứ hai sẽ cao hơn điểm chững đầu tiên. Tại điểm chững thứ hai, người chơi đã thành thạo đánh thuận tay khi đứng yên, nhưng chật vật khi di chuyển. 

– Tiến bộ thứ hai: Tuy nhiên, sau rất nhiều thất bại, Jeremy đã có thể đánh thuận tay trong lúc di chuyển. 

Dần dần, Jeremy sẽ gặp cú lao dốc thứ hai, rồi điểm chững thứ ba. Quá trình này cứ lặp đi lặp lại cho đến khi bạn tới được “điểm chững của bậc thầy”.

Dĩ nhiên, hành trình thực tế sẽ phức tạp hơn. Tuy nhiên, biểu đồ trên đã miêu tả chính xác hành trình để làm chủ kỹ năng. Có 2 điều bạn cần lưu ý trên con đường này. 

Thứ nhất, hãy chấp nhận điểm chững. Theo George Leonard, cảm giác thoải mái khi ở điểm chững có lẽ là điều quan trọng nhất trên hành trình làm chủ kỹ năng. Vì con người bị ám ảnh với sự tiến bộ tức thì, chúng ta dễ mắc bệnh thành tích. Tuy nhiên, George Leonard đã cho chúng ta thấy, kết quả không xuất hiện một cách ổn định. Thay vào đó, sự tiến bộ diễn ra theo từng đợt. 

Thứ hai, hãy cố gắng tiến bộ. Trên con đường làm chủ kỹ năng, bạn sẽ dành phần lớn thời gian tại những điểm chững. Đó là lý do tại sao bạn cần phải chấp nhận chúng. Thế nhưng, bạn nên nhớ rằng mục tiêu của mình là tiến bộ. Nếu không, bạn sẽ trở thành một “tin tặc”. 

Hãy thử tìm hiểu xem mình thuộc kiểu người nào trong 3 loại trên. Chỉ khi ấy, bạn mới có thể sửa chữa và trở thành người làm chủ kỹ năng. 

(Theo Medium)