Vạn Điều Hay

4 ‘luật thiên nhiên’ cha mẹ nên áp dụng

Chia sẻ

Trong tự nhiên có những quy luật, hiệu ứng mà nếu các bậc cha mẹ hiểu được và áp dụng vào dạy dỗ con cái, chúng chắc chắn sẽ thành công.

Luật bể cá

Cá cảnh nhiệt đới khi nuôi trong bể có chiều dài khoảng 7 cm. Kể cả nuôi bao lâu thì cá cũng không tăng chiều dài. Tuy nhiên, nếu thả vào môi trường tự nhiên rộng lớn (biển, sông, hồ), trong vòng hai tháng, con cá có thể dài đến 20 cm.

Điều này được chứng minh là có tác dụng tương tự đối với giáo dục trẻ em. Sự phát triển của trẻ luôn cần đến môi trường thích hợp. Khi cha mẹ cung cấp cho trẻ một không gian phù hợp, trẻ có thể vận động và phát triển tốt nhất. Nếu mãi được cha mẹ bao bọc trong môi trường gia đình, giống như bể cá, trẻ không thể nào trở thành “cá lớn”.

Trong xã hội ngày một tiến bộ, lượng tri thức ngày một được cải tiến, cha mẹ nên kiềm chế cái tôi của mình để con cái có nhiều cơ hội tìm hiểu và phát triển bản thân.

Luật của sói

Ngạn ngữ Mỹ có câu: “Hổ và sư tử có thể mạnh, nhưng sói không phải trình diễn trong rạp xiếc”. Không mang trong mình sức mạnh của các chúa sơn lâm nhưng sói lại là một trong những kẻ gan dạ, dẻo dai và lỳ nhất thế giới tự nhiên. Phẩm chất của loài sói bao gồm tinh thần bền bỉ, chúng có thể đi nhiều cây số, vào những vùng lạnh giá để săn mồi. Khi kiếm miếng ăn, chúng sẽ kiên nhẫn quan sát, cho đến khi có cơ hội tiếp cận con mồi. Sói không chỉ săn bằng sức mà còn bằng mưu trí, do đó ít tốn sức lực lại hiệu quả. Sói cũng là loài rất “biết mình biết ta”, khi gặp kẻ mạnh hơn, chúng biết rút lui thay vì xông vào quyết chiến.

Áp dụng luật của sói vào việc nuôi dạy trẻ, cha mẹ có nên giúp trẻ trau dồi khả năng quan sát, động não tư duy trước khi hành động để đạt được hiệu quả cao nhất trong từng công việc. Khả năng tìm tòi, quan sát và sự bền bỉ khám phá sẽ giúp trẻ có những ý tưởng mới và nguồn cảm hứng cho mình trong mọi hoạt động học tập, vui chơi.

Hiệu ứng gió nam

Có một câu chuyện ngụ ngôn Trung Quốc: Gió Bắc và gió Nam cá cược xem ai mạnh hơn. Họ thách đố nhau, nếu ai có thể cởi áo của người đi đường thì đó mới là kẻ mạnh nhất.

Sau khi cuộc thi bắt đầu, gió Bắc ra sức thổi. Tuy nhiên, dù gió Bắc dữ dội đến đâu, người đi đường cũng không cởi áo mà còn quấn khăn, đóng cúc áo ngày càng chặt hơn. Trong khi đó, gió Nam chỉ thổi nhẹ, mát mẻ là người đi đường đã cởi áo khoác.

Câu chuyện ngụ ngôn nhắc nhở mỗi người rằng lòng khoan dung có sức mạnh hơn rất nhiều so với sự trách cứ, trừng phạt. Trong việc giáo dục con cái, điều này rất đúng. Nếu cha mẹ chỉ bận tâm chỉ trích con làm sai, cuối cùng, đứa trẻ càng không chịu nghe lời. Ngược lại, nếu cha mẹ bao dung thiếu sót của trẻ, lắng nghe trẻ chia sẻ và chỉ ra cho trẻ những sai lầm của chúng một cách khoa học và hợp lý lẽ, trẻ sẽ dần biết sửa bản thân và tu dưỡng mình.

Hiệu ứng Rosenthal

Rosenthal là một nhà tâm lý học người Mỹ. Năm 1966, ông đã tiến hành một thí nghiệm, liên quan tới kỳ vọng của học sinh về thành tích.

Trong thí nghiệm này, Rosenthal cho các học sinh làm một bài kiểm tra, sau đó lấy ngẫu nhiên một số em, lập danh sách những học sinh “có triển vọng đạt thành tích tốt” rồi chuyển tới cô giáo chủ nhiệm. Giáo viên truyền đạt danh sách này tới học sinh. Tám tháng sau, Rosenthal quay trở lại lớp học và tiến hành bài kiểm tra tiếp theo. Kết quả, điểm số của nhóm “có triển vọng” tăng lên đáng kể dù thực tế trước đó chúng không hề nổi trội hơn những học sinh khác.

Thí nghiệm của Rosenthal chỉ ra, kỳ vọng của giáo viên có thể ảnh hưởng đến thành tích của học sinh. Nếu giáo viên trân trọng, kỳ vọng và yêu thương đứa trẻ, nó có thể học tốt hơn rất nhiều.

Do đó, sự phát triển của trẻ phụ thuộc nhiều vào kỳ vọng của cha mẹ và giáo viên. Nói một cách đơn giản, bạn kỳ vọng con mình sẽ trở thành người như thế nào, con bạn có thể trở thành người như thế nếu bạn tạo điều kiện, môi trường và sự tôn trọng cần thiết cho trẻ.

Thùy Linh (Theo QQ)