Có tới 30% người Việt mắc căn bệnh thoát vị đĩa đệm: BS bệnh viện Việt Đức cảnh báo “đừng để tới khi không cầm nổi đũa” mới đi khám
Thoát vị đĩa đệm là một trong những bệnh về xương khớp nhiều người gặp phải hiện nay và đang có xu hướng trẻ hóa, nhất là đối với những người làm việc văn phòng, ít vận động. Bệnh vừa khiến chúng ta cảm thấy khó chịu, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày.
Theo thống kê của Bộ Y tế, bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng hiện nay ở nước ta chiếm tỉ lệ khá cao, có đến 30% dân số mắc phải căn bệnh này và đang có xu hướng trẻ hóa, thường gặp ở lứa tuổi từ 20-55 tuổi. Bên cạnh đó, nhiều người thường phát hiện bệnh quá muộn và chữa trị không đúng cách nên bệnh có thể tái phát nhiều lần và ngày càng nặng hơn, dẫn đến mất khả năng vận động.
Theo PGS.TS Nguyễn Lê Bảo Tiến – Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người bình thường ngoài 20 tuổi sẽ có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm khi thấy dấu hiệu như cột sống mất nước, khô dần, mất tính đàn hồi vốn có của đĩa đệm.
Bác sĩ Tiến cho biết, lúc này, khi tăng áp lực nội đĩa đột ngột sẽ gây ra thoát vị đĩa đệm, nếu không điều được điều trị sớm và điều trị kịp thời, bệnh nhân dễ gặp những biến chứng nguy hiểm, thậm chí có liệt toàn thân và tàn phế suốt đời. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp nâng cao khả năng khắc phục bệnh và ổn định cuộc sống.
Sự chủ quan có thể dẫn đến hậu quả nặng nề
Bác sĩ Tiến chia sẻ, trong quá trình công tác gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán bị thoát vị đĩa đệm nhưng nhiều yếu tố dẫn đến việc phát hiện và phẫu thuật muộn. Những bệnh nhân này đến viện khi đã lâm vào tình trạng ngồi xe lăn, phải chống gậy, cổ bàn chân liệt, đi dép tụt, rối loạn cơ tròn, đại tiểu tiện không tự chủ và bám không tự chủ…
Thậm chí có người bị buốt, rát liên tục 24/24 trên da, cảm giác như có hàng ngàn, hàng vạn mũi kim đâm vào da thịt. Những rối loạn như vậy là dấu hiệu chứng tỏ hệ thần kinh của bệnh nhân bị tổn thương.
Bác sĩ Tiến khuyến cáo, khi có những dấu hiệu bất thường về xương, khớp, đĩa đệm, mọi người cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị. “Đừng để đến lúc tay không thể cài được khuy áo hay không cầm đũa để gắp thức ăn, đi khó, dễ ngã thì lúc đó kể cả có mổ khả năng phục hồi của bệnh nhân cũng rất thấp. Mặt khác, lúc này dù có điều trị thì chất lượng cột sống của bệnh nhân cũng không thể trở lại như ban đầu”, BS Tiến nói.
Bệnh thoát vị đĩa đệm rất thường gặp nhưng nếu chủ quan, không đi điều trị sớm, người bệnh có thể phải chịu những biến chứng nặng nề, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống như liệt, rối loạn cơ tròn, đại tiểu tiện không tự chủ, đau thần kinh mãn tính… Những biến chứng này rất khó điều trị, sau đó bệnh nhân gần như tàn phế, không thể phục hồi.
Khi nào nên đi khám?
Bác sĩ Tiến cho biết, người bị thoát vị đĩa đệm cột sống thường sẽ bị đau lan nhiều vùng cột sống, ở cổ thì đau lan vai, lưng thì cột sống ngực… Nếu các dấu hiệu này không giảm theo thời gian, có bệnh nhân chỉ nằm yên một chỗ, không thể ngồi dậy hoặc liệt, tàn phế suốt đời. Do vậy, bất cứ khi nào có biểu hiện trên, mọi người cần sớm đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, điều trị sớm.
Ngoài ra, bác sĩ Tiến khuyến cáo người dân nên giữ cân nặng ở ngưỡng hợp lý, tránh béo phì, duy trì lối sống lành mạnh, không ngồi nhiều, đứng nhiều, tăng cường vận động bằng các môn thể thao như bơi lội, vận động, chạy bộ… để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm.
“Một yếu tố quan trọng khác quyết định thành công của việc phòng tránh nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm, đó là người dân cần có chế độ sinh hoạt khoa học, tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá hay các chất kích thích”, BS Tiến nhấn mạnh.
Khi nào cần phẫu thuật thoát vị đĩa đệm?
Theo bác sĩ Tiến, ở giai đoạn đầu, các bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân thoát vị đĩa đệm điều trị nội khoa và hạn chế vận động. Lúc này, tùy theo mức độ đau, bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm. Phác đồ điều trị thông thường kéo dài 2-6 tuần.
“Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm thường chỉ bắt buộc phải mổ khi điều trị nội khoa thất bại hoặc tình trạng bệnh quá nặng. Nghĩa là sau 6 tuần phối hợp uống thuốc, tập phục hồi chức năng, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt… nhưng không hiệu quả hay vẫn còn còn đau nhiều”, bác sĩ Tiến giải thích.
Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được khuyến cáo can thiệp phẫu thuật nếu như quá trình điều trị nội khoa thấy có xuất hiện những dấu hiệu liệt tăng dần về thần kinh, về chi, rối loạn cơ tròn.
Theo bác sĩ Tiến, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang áp dụng nhiều phương pháp mổ thoát vị đĩa đệm mang lại hiệu quả cao như can thiệp qua da, phẫu thuật ít xâm lấn, mổ mở hay mổ nội soi… Tuy nhiên, tuỳ vào tình trạng bệnh lý, điều kiện cũng như nhu cầu của bệnh nhân mà bác sĩ tư vấn sử dụng phương pháp nào để can thiệp.
“Việc phẫu thuật phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như thể trạng, tình trạng bệnh cũng như điều kiện, nhu cầu của bệnh nhân. Ví dụ, dù kỹ thuật mổ nội soi được triển khai ở bệnh viện 10 năm nhưng có những trường hợp chúng tôi phải tư vấn cho bệnh nhân dùng phương pháp khác hiệu quả và tỷ lệ thành công nhất, chứ không phải ai cũng sẽ phẫu thuật nội soi. Đôi khi, chỉ dùng một phương pháp duy nhất để điều trị cho tất cả các bệnh nhân sẽ làm giảm đi tỷ lệ thành công khi điều trị bệnh lý này”, bác sĩ Tiến nhấn mạnh.
Trong phẫu thuật, phương pháp phẫu thuật nội soi thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng qua lỗ liên hợp đang thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là phương pháp có nhiều ưu điểm như rút ngắn thời gian hồi phục sau phẫu thuật và nâng cao hiệu quả, an toàn cho người bệnh. Bệnh nhân sau khi mổ nội soi thoát vị đĩa đệm có thể đi lại và vận động từ rất sớm sau 24 giờ phẫu thuật.
Thiên An