Tổng thống Duterte của Philippines vỡ mộng sau 4 năm xoay trục sang Trung Quốc
Sau 4 năm xoay trục, chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte không thu được nhiều lợi ích từ Trung Quốc trong khi đối mặt sự phẫn nộ của công chúng trong nước.
Từ khi nắm quyền năm 2016, Tổng thống Rodrigo Duterte đã đảo ngược chính sách đối ngoại của tất cả người tiềm nhiệm, xoay trục từ đồng minh thân cận của Mỹ sang duy trì quan hệ nồng ấm với Trung Quốc. Manila kỳ vọng nhận được hàng tỷ USD hỗ trợ từ Bắc Kinh, thông qua các khoản vay ưu đãi và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Nhưng 4 năm qua đi, phần lớn những dự án đầu tư Bắc Kinh hứa hẹn vẫn chỉ nằm trên giấy bất chấp những nhượng bộ trên nhiều lĩnh vực của Manila, theo Channel News Asia.
Những dự án đình trệ
Trung tâm chính sách phát triển kinh tế của Tổng thống Duterte là chương trình “Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng”, bao gồm khoảng 20.000 dự án xây dựng sân bay, cảng biển, đường cao tốc.
Với lời hứa rót vốn đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc, chính quyền Philippines quy hoạch phát triển theo hướng đất nước chuẩn bị bước vào “thời kỳ cơ sở hạ tầng hoàng kim”.
Nhưng thực tế không như những gì Manila kỳ vọng. Trung Quốc hứa hẹn khoản chi 24 tỷ USD theo hình thức vốn vay và đầu tư, nhưng tới nay, chỉ chưa đầy 5% được giải ngân.
“Họ cho Duterte ăn bánh vẽ. Ông ấy đã làm nhiều thứ cho Trung Quốc, và điều ông ấy nhận lại là gì? Tới tận hôm nay, thực tế là không có dự án cơ sở hạ tầng lớn nào được Trung Quốc triển khai”, Richard Heydarian, chuyên gia chính sách người Philippines từ Đại học De La Salle, nói.
Một trong những dự án lớn được Manila mong đợi là đập nước Kaliwa trị giá 221 triệu USD. Đây từng được coi là giải pháp về nước sạch cho đại đô thị Manila và các khu vực lân cận, bao gồm xây dựng 3 đập nước phục vụ nhu cầu của 17,5 triệu người. Nhưng dự án này từ lâu đã bị đình trệ.
Peter Mumford, trưởng bộ phận Đông Nam Á và Nam Á của tập đoàn tư vấn rủi ro Eurasia Group, cho biết Bắc Kinh “có quan điểm cứng rắn trong đàm phán”, nhằm đảm bảo “những dự án này xứng đáng về mặt thương mại”.
Dự án đập nước Kaliwa cũng bị cản trở bởi sự phản đối từ các nhóm bảo vệ môi trường và quan chức địa phương, do lo ngại có thể gây ra tình trạng lũ lụt và khiến hàng nghìn người bản địa ở các tỉnh Rizal và Quezon mất nhà cửa.
Làng Daraitan ở Rizal là một ví dụ. Ngôi làng có nguy cơ bị nhấn chìm sau khi con đập được xây dựng.
“Không chỉ ảnh hưởng tới những người phụ thuộc vào du lịch, dự án còn ảnh hưởng tới giao thông vận tải, chủ cửa hàng ăn uống, cửa hàng nhỏ lẻ, kinh doanh vỉa hè”, Melody Alao, một hướng dẫn viên du lịch, nói.
Leon Dulce, điều phối viên quốc gia của Mạng lưới người dân Kalikasan vì môi trường, cho biết tác động môi trường từ dự án hoàn toàn che mờ những lợi ích có thể mang lại.
“Dự án cơ bản là chiếc hộp Pandora chứa đầy hiểm họa cho người dân. Quan hệ hợp tác giữa chính quyền và Trung Quốc để lại hậu quả người dân Philippines trở thành nạn nhân”, ông Dulce nói.
Ngoại giao bẫy nợ
Trong khi những dự án như đập nước Kaliwa là một trong những ưu tiên của chính quyền Duterte, các chuyên gia đánh giá những khoản vay từ Trung Quốc để phục vụ chương trình xây dựng của Philippines là đắt đỏ với tỷ lệ lãi suất quá cao.
Trung Quốc đã có nhiều tai tiếng khi tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở những nước nghèo, sau đó đòi hỏi những nhượng bộ về nhiều lĩnh vực để giảm nợ, hành động được miêu tả là “ngoại giao bẫy nợ”.
“Lợi nhuận luôn là điểm mấu chốt. Đó là lý do họ (Trung Quốc) chọn theo đuổi dự án đập nước Kaliwa. Chúng tôi có nguy cơ mất trắng những nguồn lực này cho Trung Quốc nếu không trả được nợ”, ông Dulce nói.
Jay Batongbacal, giám đốc Viện các vấn đề hàng hải và luật biển, Đại học Philippines, cho rằng Manila nên cân nhắc các lựa chọn vay vốn khác. Các khoản vay vốn với Nhật Bản và Hàn Quốc có thể sẽ đáp ứng yêu cầu và được xã hội chấp nhận.
Nhật Bản từng đề xuất cung cấp khoản vay cho đập Kaliwa, với dự án thủy điện cỡ nhỏ nhằm hạn chế tác động về môi trường, cùng chương trình phục hồi rừng sau xây dựng, ông Dulce cho biết.
“Hợp đồng vay Trung Quốc không được như vậy. Tôi nghĩ ý định của họ đơn giản là cứ thế xúc tiến, xây dựng các công trình và bỏ mặc tác động của chúng tới người dân địa phương”, ông Batongbacal nói.
Theo quy định của Philippines, các dự án phát triển có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ quy định về “chống tham nhũng” và số lượng nhân công người bản địa tối thiểu.
Ông Batongbacal nói Trung Quốc “không tuân thủ tất cả yêu cầu nghiêm ngặt này”.
Các dự án cơ sở hạ tầng của Philippines được kỳ vọng cung cấp việc làm cho hơn 21.000 công nhân trong nước. Thế nhưng, ngày càng có nhiều lo ngại về tỷ lệ cao quá mức của lao động Trung Quốc trong các dự án do Bắc Kinh tài trợ.
“Lợi ích đến với các công ty và lao động Trung Quốc, không phải người dân Philppines, ông Heydarian nói.
Đã đến lúc nghĩ lại?
Năm 2016, Tòa trọng tài thường trực thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển ra phán quyết bác bỏ đường 9 đoạn, qua đó khiến tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông trở thành vô giá trị. Phán quyết được đánh giá là chiến thắng chính trị, pháp lý to lớn của Manila.
Nhưng Tổng thống Duterte đã gạt phán quyết sang một bên, với hy vọng nhận được hỗ trợ kinh tế từ Trung Quốc.
Thời gian gần đây, người dân Philippines ngày càng phẫn nộ trước tình trạng Trung Quốc đánh bắt quá mức ngọc trai và cá, phá hủy nghiêm trọng hệ sinh thái tại bãi cạn Scarborough. Bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Các nhà khoa học biển Philippines cho biết nước này thiệt hại 911 triệu USD mỗi năm do hệ sinh thái biển tại Scarborough bị phá hủy, Inquirer đưa tin.
“Trung Quốc liên tục hủy hoại bãi cạn Scarborough từ năm 2012. Về cơ bản, chính phủ làm ngơ cho hành động này để duy trì hóa khí với Trung Quốc. Điều này ngày càng trở nên không thể chấp nhận được”, ông Batongbacal nói.
Những tháng gần đây, ngày càng có nhiều sự chia rẽ bên trong chính quyền của Tổng thống Duterte về chính sách xoay trục sang Trung Quốc. Sức ép từ công luận cũng đang gia tăng, đòi hỏi có lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
Mới đây, Tư lệnh hải quân, Phó đô đốc Giovanni Carlo Bacordo đã công khai phản đối việc di dời căn cứ của hải quân Philippines để nhường chỗ cho một dự án cảng biển do Trung Quốc xây dựng.
“Căn cứ bảo vệ lối vào vịnh Manila, và vịnh Manila là trung tâm quyền lực của chính phủ. Nếu Manila thất thủ, cả đất nước sẽ sụp đổ”, Phó đô đốc Bacordo nói với Inquirer.
Gregory Poling, giám đốc Viện Minh bạch hàng hải châu Á, cho rằng Tổng thống Duterter đã có phản ứng khi nhận ra chính sách Trung Quốc của ông “thất bại nặng nề”.
Mới đây, Tổng thống Duterte đã đình chỉ quyết định hủy bỏ Thỏa thuận Lực lượng đồn trú. Đây là thỏa thuận hợp tác an ninh Philippines ký với Mỹ từ năm 1999.
“Ông ấy cần các khoản vây, đầu tư và viện trợ từ Trung Quốc, nhưng những thứ đó đã không đến. Tổng thống Duterte nhận ra tiếp tục theo cách hiện nay sẽ khiến ông ấy ngày càng yếu đuối, hủy hoại danh tiếng chính trị, và gây tổn hại cho người kế nghiệm”, ông Poling nói.
Người dân Philippines tới nay không tin chính sách xoay trục đã mang lại “lợi ích hữu hình” cho đất nước. Trong bối cảnh ấy, ông Batongbacal cho rằng Tổng thống Duterte “hy vọng Trung Quốc sẽ cung cấp cho Philippines vaccine Covid-19 miễn phí”.
“Đây là quân bài cuối cùng Tổng thống Duterte hy vọng có được để cứu vãn chính sách Trung Quốc của mình”, giáo sư của Đại học Philippines nhận định.
Theo Zing