Hành trình từ “chạy” taxi đến bất động sản xa xỉ của Chủ tịch Tân Hoàng Minh và lời hứa không bao giờ ”mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”
“Về nghi ngờ Tân Hoàng Minh “âm mưu” gì đó rồi cuối cùng sẽ bỏ cọc, thì tôi xin khẳng định là không có chuyện bỏ tới gần 600 tỷ đồng tiền cọc để tự mang tiếng xấu cho mình. Hơn nữa, quy định của luật pháp về đấu giá là rất rõ ràng, không phải muốn bỏ cọc là bỏ. Tân Hoàng Minh là một doanh nghiệp lớn, không bao giờ “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” một cách thô thiển như vậy!” – Chủ tịch Tân Hoàng Minh nói trước khi xảy ra sự kiện Thủ Thiêm ”chấn động”.
Mới đây, thông tin về việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 181/QĐ-UBCK hủy bỏ 09 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của nhóm công ty Tập đoàn Tân Hoàng Minh gây ra không ít biến động đến thị trường.
Cũng từ đây, dư luận không khỏi tò mò về Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng như người đứng đầu một trong những tập đoàn bất động sản hàng đầu Việt Nam thời điểm hiện tại. Đặc biệt là những phát ngôn về kinh doanh trước truyền thông của ông chủ Tân Hoàng Minh – doanh nhân Đỗ Anh Dũng cũng được chú ý trở lại.
Từ ”chạy taxi” đến ”ông trùm” bất động sản cao cấp
Theo website chính thức của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, tập đoàn này ra đời từ năm 1993 dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Đỗ Anh Dũng (SN 1961).
Trước khi trở thành một trong những “đại gia” bất động sản trong những năm gần đây, Tân Hoàng Minh là một trong những ”ông lớn” của ngành dịch vụ, vận tải trong nước những năm 2000.
Bắt đầu đặt chân vào thương trường, ngành nghề kinh doanh chính của Tân Hoàng Minh là dịch vụ vận tải với hệ thống Taxi V20, từng chiếm 20-25% thị phần vận tải hành khách công cộng tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, Nha Trang và TP. HCM.
Vị Chủ tịch đầy tham vọng khi đó tiếp tục đầu tư sản xuất các sản phẩm mây, tre đan rất được thế giới ưa chuộng. Năm 1998, Đỗ Anh Dũng đã thành lập nhà máy sản xuất mây tre đan thủ công mỹ nghệ với thương hiệu RATEX được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu: Pháp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia,… và Hoa Kỳ, thu lợi nhuận từ 3-5 triệu USD mỗi năm cho Tân Hoàng Minh trong thời kì đầu phát triển.
Âm thầm đầu tư vào thị trường bất động sản từ năm 1993, nhưng chỉ đến năm 2015, cái tên Tân Hoàng Minh trong giới bất động sản mới bất ngờ sáng lên sau khi chào bán dự án căn hộ siêu sang D.Palais De Louis với giá lên đến 140 triệu đồng/m2.
Mục tiêu kinh doanh bất động sản của tập đoàn này là ”nhằm đóng góp cho thị trường những “đột phá” mới, đồng thời cống hiến cho Thủ đô những tác phẩm nghệ thuật trên các lĩnh vực kiến trúc, xây dựng và quy hoạch đô thị…” – Chủ tịch Tân Hoàng Minh viết trong thư ngỏ.
“Gia tài” bất động sản đất vàng
Nhiều lần khẳng định triết lý kinh doanh vì cộng đồng và xã hội, trong một lần trả lời trước truyền thông, ông Dũng nói: “Suốt cuộc đời mình tôi luôn mong muốn biến cái không thể thành có thể, tôi tâm niệm không chỉ làm giàu cho bản thân, cho gia đình nhỏ bé của mình mà phải có đóng góp cho xã hội, cho nhân dân bằng các thành tựu cụ thể rõ ràng, để góp phần thúc đẩy kinh tế của đất nước phát triển mạnh mẽ hơn, tốt đẹp hơn”.
Hiện tại, Tân Hoàng Minh đang là một trong những “ông lớn” bất động sản tại thị trường Việt Nam. Tập đoàn Tân Hoàng Minh có vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng, trong đó ông Đỗ Anh Dũng – giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT sở hữu 51,48% cổ phần, tương ứng số tiền 5.148 tỷ đồng.
Tân Hoàng Minh sở hữu nhiều lô đất ở vị trí đắc địa ở trung tâm Hà Nội, trong đó các dự án BĐS cao cấp nổi tiếng được Tân Hoàng Minh triển khai tại Hà Nội có thể kể đến là: Tòa tháp D’ Le Pont D’or; D’ Palais de Louis; D’ Le Roi Soleil – Quảng An…
D’ San Raffles được xem như là dự án cao cấp bậc nhất. Đây là công trình hỗn hợp nhà ở và thương mại rộng 4072.9m2 đẳng cấp nhất từ trước đến nay tọa lạc ngay trung tâm Hà Nội. Phải mất đến 7 năm Tân Hoàng Minh mới có thể nhận được giấy phép quy hoạch cho dự án này. Công trình hướng đến khách hàng mục tiêu là các doanh nhân, những nhà quản lý cấp cao và những thương hiệu thời trang đẳng cấp thế giới.
Tập đoàn này từng gây sốc tại Hà Nội khi chấp nhận đền bù hơn 1 tỷ đồng/m2 cho hộ dân cuối cùng để sở hữu mảnh đất 4.000m2 tại ngã tư Hàng Bài – Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Không chỉ sở hữu những khu đất vàng tại Hà Nội, Tân Hoàng Minh còn sở hữu nhiều khu vực đắc địa tại Trung tâm TP.HCM: khu đất vàng 3.000m2, hai mặt tiền Lê Duẩn – Nguyễn Du nằm tại số 23 Lê Duẩn, quận 1. Đây là khu đất mà Tân Hoàng Minh đã đấu giá thành công với mức giá khủng 1430 tỷ sau khi vượt qua hàng loạt tên tuổi sừng sỏ như Johnathan Hạnh Nguyễn, công ty Đại An và đại gia Trường Hải,…
Ngoài ra, Tân Hoàng Minh còn là chủ sở hữu của khách sạn Elegant tọa lạc tại đường Bùi Thị Xuân và một cao ốc cho thuê khác ở số 23 Hàn Thuyên, TP. HCM.
Quỹ đất ”khủng” trải dài cả nước
Suốt 2 năm qua, ngoài Hà Nội và TP. HCM, Tân Hoàng Minh và các công ty con đã âm thầm đi khắp các tỉnh thâu tóm quỹ đất lớn dù với giá không hề rẻ.
“Nhiều năm qua, tôi thực sự cảm thấy rất xót xa khi nhiều lô đất quý hơn vàng lần lượt rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. Tôi trăn trở với câu hỏi: Tại sao doanh nghiệp Việt Nam ta không cạnh tranh được với họ ngay trên chính đất nước mình? Tại sao đất đai – tài nguyên quý giá của nước mình lại tạo ra lợi nhuận cho người nước ngoài?” – ông Dũng nói.
Cụ thể, đầu tháng 12/2021, Tân Hoàng Minh đề xuất với tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu, khảo sát và thực hiện dự án khu đô thị – du lịch – phim trường tại xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt với diện tích lên đến 4.319ha.
Cũng tại Lâm Đồng, Tập đoàn Tân Hoàng Minh báo cáo phương án quy hoạch chi tiết tổ hợp Dự án khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, nhà ở thương mại tại khu đất Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk (cũ). Cụ thể, dự án có diện tích 42.645 m2, tổng mức đầu tư 4.500 – 5.000 tỷ đồng.
Tại Hòa Bình, trong Thông báo số 5931/TB-VPUBND ngày 27/8/2020 Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã chấp thuận cho phép Tập đoàn Tân Hoàng Minh nghiên cứu, đề xuất đầu tư xây dựng khu resort cao cấp tại khu vực hồ Hòa Bình, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc. Dự án đề xuất xây dựng trên diện tích đất 355,97 ha với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 2.629 tỷ đồng.
Cuối tháng 12/2021, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã tổ chức Lễ khởi công Tổ hợp quẩn thể du lịch, giải trí với quy mô gần 34 ha, tổng mức đầu tư hơn 24 nghìn tỷ đồng tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Sự kiện gây “sóng” trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bởi quy mô và kỳ vọng mang đến một quần thể du lịch nghỉ dưỡng “bom tấn” cho ngành du lịch.
Tại Hà Tĩnh, Tân Hoàng Minh cũng đang triển khai Dự án D’. Metropole Hà Tĩnh có tổng diện tích hơn 2,4ha với tổng quy mô dự án 1.500 tỷ đồng. Dự án được quy hoạch thành Khu tổ hợp shophouse, biệt thự, nhà liền kề tiêu chuẩn quốc tế 5 sao.
Đáng chú ý, nhắc đến Tân Hoàng Minh thì không thể không nhắc đến sự kiện ”bỏ cọc” Thủ Thiêm từng gây chấn động.
Trước khi có tâm thư về việc xin bỏ cọc lô đất trúng đấu giá 24.500 tỷ ở Thủ Thiêm, sẵn sàng chấp nhận chế tài khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, ông Đỗ Anh Dũng vẫn khẳng định: ”Việc chấp nhận mua với giá 2,4 tỷ đồng/m2 đất Thủ Thiêm, tôi muốn góp phần đặt dấu chấm hết cho tình trạng mua bán đất công với giá rẻ mạt một cách bất thường – thực tế là không hề rẻ vì doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí “bôi trơn”, “đi đêm” cùng nhiều chi phí vô hình khác…
Tôi bỏ số tiền xứng đáng với giá trị của lô đất để mua lấy sự minh bạch. Tôi có thể yên tâm thực hiện dự án trên mảnh đất đó mà không cần phải chờ đợi thủ tục, cũng chẳng phải lo những cuộc thanh tra, kiểm tra…Như vậy, có thể khẳng định là tôi mua đúng giá chứ không hề phá giá!
Còn về nghi ngờ Tân Hoàng Minh “âm mưu” gì đó rồi cuối cùng sẽ bỏ cọc, thì tôi xin khẳng định là không có chuyện bỏ tới gần 600 tỷ đồng tiền cọc để tự mang tiếng xấu cho mình. Hơn nữa, quy định của luật pháp về đấu giá là rất rõ ràng, không phải muốn bỏ cọc là bỏ. Tân Hoàng Minh là một doanh nghiệp lớn, không bao giờ “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” một cách thô thiển như vậy!”.
Từ ”cán bộ” bước ra làm kinh tế và nhiều giải thưởng danh giá
”Làm mưa làm gió” ở mảng kinh tế, ít ai biết trước khi trở thành một doanh nhân thành đạt, ông Đỗ Anh Dũng có bằng Kỹ sư Đại học Bách Khoa. Ông còn từng là cán bộ trong nhiều đơn vị Nhà nước. Cụ thể, ông công tác tại Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước Hà Nội (1984 – 1986), Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước tại TP.HCM (1986 – 1989). Từ năm 1989 đến năm 1993, ông là Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Liên hiệp xuất khẩu điện tử quang học ELOPI (thuộc Viện Khoa học Việt Nam phân viện TP.HCM).
Trong suốt hành trình sự nghiệp của mình, ông Dũng nhận được nhiều bằng khen và giải thưởng cao quý của Nhà nước và Chính phủ gồm: Giải thưởng Sao Đỏ (2003); Bằng khen Cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực kinh tế của Thủ tướng chính phủ (2004); giải thưởng Sao Vàng Đất Việt (2004); giải thưởng Cúp vàng thương hiệu (2004)…
Nhìn lại những gì đã qua trên thương trường, Chủ tịch Tân Hoàng Minh từng trải lòng về sự thành công: ”Cánh cửa thành công không bao giờ khép lại với những người luôn cố gắng và nỗ lực. Phải luôn nỗ lực và đừng bao giờ từ bỏ ngay cả khi thất bại hay khó khăn nhất cũng phải yêu đời, yêu nghề để duy trì công việc của mình”.