Tuổi 53 của tỷ phú tuổi Thân Phạm Nhật Vượng: Tài sản tăng gấp đôi, vô số thành tựu mới

Chia sẻ

Tính đến ngày 28/12, giá trị tài sản tính trên lượng cổ phiếu sở hữu của ông Phạm Nhật Vượng đạt hơn 200.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm ngoái, giữ chắc vị trí người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán.

Ông Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968, cầm tinh con Khỉ. Dân gian có quan niệm người tuổi Thân vất vả và thăng trầm: “Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi/ Tôi đây luống những ngậm ngùi tuổi Thân/ Tuổi Thân thì mặc tuổi Thân/ Sinh đúng giờ Dần, vẫn cứ làm vua”.

Năm 2020, ông Vượng bước vào tuổi 53 (theo Âm lịch). Cũng lại theo quan niệm dân gian: “49 chưa qua, 53 đã tới” ý chỉ 2 năm “đại hạn” với nhiều rủi ro, xui xẻo dễ gặp. Tuy nhiên, tuổi 53 của tỷ phú tuổi Thân vẫn là những thành tựu mới.

Hủy bỏ việc gia nhập ngành hàng không ngay trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ 

Ngay đầu năm 2020, vào ngày 14-1, Vingroup bất ngờ công bố rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không, dừng dự án Vinpearl Air nhưng vẫn duy trì hoạt động của Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật hàng không.

Công bố này gây choáng váng khi trước đó, thị trường đã vô cùng háo hức chờ đón một hãng hàng không mới đến từ tập đoàn “Fast& Furious” như Vingroup. Từ nửa năm trước đó, trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật hàng không Vinpearl Air đã tổ chức tuyển sinh rầm rộ cho hoạt động đào tạo phi công, kỹ thuật bay và nhân sự hàng không, với mục tiêu cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và thế giới.

Lý do cho quyết định rút chân khỏi hàng không là để “tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp của Vingroup”.

Từ trước đó, để thực hiện chiến lược này, tháng 12-2019, Vingroup đã rút khỏi mảng bán lẻ và nông nghiệp. Quyết định dừng đầu tư kinh doanh vận tải hàng không là bước đi nhất quán trong việc tái cơ cấu hoạt động, tập trung vào các ưu tiên cốt lõi của tập đoàn.

Tuy nhiên, điều khiến cho những người quan tâm phải trầm trồ nhiều hơn nữa là thời gian ngắn sau đó, dịch Covid-19 bùng lên trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các hãng hàng không rơi vào tình trạng chưa tình có: Đóng băng hoạt động, doanh thu bằng 0 và lỗ nặng. Quyết định dừng lại của tỷ phú ngay trước bờ vực như một “tiên đoán thần thánh”.

Tấn công thị trường bất động sản khu công nghiệp 

Covid-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, trở thành cơ hội rõ nét cho Việt Nam khi các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn tới kế hoạch mở rộng, đặt chi nhánh hoặc cơ sở sản xuất tại những thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2020 của Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ bước đi mới: “Vingroup xác định bất động sản công nghiệp sẽ là mảng kinh doanh chính và quan trọng trong tương lai bởi lĩnh vực này mang lại dòng tiền thường xuyên”.

Theo đó, công ty phụ trách lĩnh vực này là Vinhomes sẽ phát triển bất động sản khu công nghiệp tại các thành phố lớn như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh và phát triển hạng mục văn phòng nằm trong các khu đô thị Vinhomes từ 3 – 5 năm tới.

Ban lãnh đạo công ty cho rằng việc phát triển bất động sản khu công nghiệp sẽ tận dụng kinh nghiệm của Vinhomes trong việc phát triển quĩ đất, triển khai và vận hành dự án. Mối quan hệ với các nhà sản xuất quốc tế của Tập đoàn Vingroup trong việc phát triển lĩnh vực công nghiệp là lợi thế cho Vinhomes trong việc tiếp cận nguồn khách hàng quốc tế.

Tổng mức đầu tư dự kiến cho lĩnh vực BĐS Khu công nghiệp khoảng 10.000 tỉ đồng, giải ngân trong 1 – 2 năm tới. Đối tượng khách thuê, trước mắt khách thuê đơn vị trong chuỗi cung ứng cho nhà máy VinFast sau đó mở rộng ra ngoài thị trường.

Máy thở, VinFast President và doanh số kỷ lục 

Khi đại dịch Covid-19 ở Việt Nam đang ở nóng nhất, Vingroup nhanh chóng tận dụng hạ tầng nhà máy ô tô của mình để sản xuất máy thở. Ngay sau khi ký kết hợp đồng bản với hãng Medtronic để sử dụng thiết kế cho máy thở xâm nhập PB560, Vingroup cũng bắt tay vào nghiên cứu máy thở không xâm nhập dựa theo thiết kế do trường Đại học MIT (Mỹ) chia sẻ cho cộng đồng.

Và chỉ đầu tháng 5, tập đoàn này đã tặng 2.400 máy thở cho Nga và Ukraina.

Về ô tô, sau một số thông tin rò rỉ trước đó thì ngày 7/9/2020, VinFast President chính thức ra mắt có giá 4,6 tỉ đồng, là dòng xe đặc biệt được sản xuất với số lượng giới hạn chỉ 500 chiếc, dành riêng cho thị trường Việt Nam. 100 khách hàng đầu tiên đặt mua xe được hưởng mức giá ưu đãi đặc biệt là 3,8 tỉ đồng.

Từ khi còn chưa lăn bánh, ô tô “dành cho Chủ tịch” của VinFast luôn là đề tài được mổ xẻ nhiều nhất, đa dạng nhất với câu hỏi: “Với ngần ấy tiền, xe VinFast có đáng để mua không?”.

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Vân Anh cho biết: “President là dòng sản phẩm đại diện cho đẳng cấp và chất lượng của VinFast, cũng là lời khẳng định của chúng tôi với thế giới về năng lực sản xuất ô tô của Việt Nam”.

“Chúng tôi muốn dành tặng sản phẩm tuyệt vời này và các dịch vụ chăm sóc khách hàng hàng đầu của VinFast cho những người Việt Nam có tinh thần tiên phong và mạnh mẽ. Đó cũng là lý do VinFast chỉ sản xuất số lượng giới hạn 500 chiếc để đảm bảo tuyệt tác này xứng tầm với chủ nhân của nó “, bà Vân Anh nhấn mạnh thêm.

Gây sốt với VinFast President nhưng đồng thời các sản phẩm ô tô khác của VinFast cũng vẫn “gây bão”. Trong tháng 9, VinFast đạt mức doanh số kỷ lục 3.626 xe ô tô bán ra thị trường với sự tăng trưởng ấn tượng của cả 3 mẫu xe Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0.

Ông Phạm Nhật Vượng tuyên bố, ô tô VinFast hướng tới xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Vsmart thay thế iPhone trong top thị phần 

Quý 3/2020, hãng nghiên cứu Canalys xếp hạng top 5 hãng smartphone lớn nhất Việt Nam gồm Samsung, Oppo, Xiaomi, Vsmart và Vivo. iPhone đã ra khỏi top, thay thể bằng Vsmart.

Hãng nghiên cứu này cho biết, số liệu thống kê trên dựa vào lượng máy các hãng nhập về hoặc bán tới các nhà phân phối, nhà bán lẻ (sell-in shipment), không phải thống kê tính trên máy bán tới tay người dùng.

Theo lý giải của hệ thống bán lẻ FPT Shop, năm 2020 có sự đột phá của Vsmart sau khi định vị lại phân khúc giá về sản phẩm, tập trung làm thị trường và giành được thị phần lớn ở phân khúc giá dưới 4 triệu.

Ngoài việc làm tốt về sản phẩm và định giá lại phù hợp cũng như chủ động nguồn cung tốt, sản phẩm Vsmart do được lắp ráp trong nước nên thời gian dịch Covid-19 vẫn có hàng cung cấp ra thị trường.

“Đây là một sự nỗ lực rất lớn của thương hiệu Vsmart cộng hưởng với sự đón nhận và ủng hộ của người dùng Việt”, FPT Shop nhận xét, đồng thời cho biết, thương hiệu điện thoại của Việt Nam từng đạt thành tích tốt nhất tại hệ thống với vị trí thứ 4 cả về số lượng lẫn giá trị vào thời điểm tháng 4 và 5/2020, khi các sản phẩm chính của Vsmart đều tăng mạnh.

Trong khi đó, đại diện hệ thống bán lẻ điện thoại di động Thế Giới Di Động cho biết, số liệu 3 tháng gần nhất cho thấy Vsmart đứng thứ 4 về số lượng, thứ 7 về giá trị tại Thế Giới Di Động. Tuy nhiên, hãng cho rằng, mức độ cạnh tranh của Vsmart vẫn còn là một quãng đường dài phía trước để chinh phục thứ hạng cao và khẳng định mình trên thị trường.

“Vsmart chủ yếu tham gia ở phân khúc giá rẻ, chỉ tăng trưởng ở những thời điểm nhất định, cần những đột phá trong sản phẩm và truyền thông cho thương hiệu”.

N.M

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.