“Giờ G” kịch tính ở Mỹ và cơ hội cuối cho Tổng thống Trump

Chia sẻ

Phiên họp quốc hội ngày 6-1 là một trong những cơ hội cuối cùng của đương kim Tổng thống Donald Trump và đồng minh

Vào lúc 13 giờ ngày 6-1 (giờ địa phương, tức 1 giờ ngày 7-1 giờ Việt Nam), Quốc hội Mỹ sẽ họp để chính thức kiểm đếm phiếu đại cử tri, qua đó xác nhận nhân vật trở thành tổng thống nhiệm kỳ tới. Sau cuộc họp của cử tri đoàn vào ngày 14-12-2020, kết quả là 306 phiếu đại cử tri dành cho ông Joe Biden và 232 phiếu thuộc về Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.

Trong nhiều cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trước đây, phiên họp nêu trên chỉ mang tính thủ tục, diễn ra theo quy định của Hiến pháp Mỹ và không nhận được nhiều chú ý.

Tuy nhiên, mùa bầu cử khác biệt vừa qua biến phiên họp này thành một trong những cơ hội cuối cùng cho Tổng thống Donald Trump và đồng minh. Hiến pháp Mỹ cho phép mọi thành viên quốc hội phản đối kết quả phiếu đại cử tri của một bang ngay khi nó được đọc lên.

Để được cân nhắc, sự phản đối này phải được viết ra giấy và nhận được chữ ký ủng hộ của ít nhất một hạ nghị sĩ và một thượng nghị sĩ. Một số đồng minh của Tổng thống Donald Trump, như Hạ nghị sĩ Mo Brooks và Thượng nghị sĩ Josh Hawley, đã xác nhận kế hoạch phản đối – một dấu hiệu cho thấy kịch tính sẽ xảy ra, khiến phiên họp quốc hội bị hoãn.

Các hạ nghị sĩ tuyên thệ trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội Mỹ khóa 117 ở Điện Capitol, thủ đô Washington D.C, hôm 3-1 Ảnh: REUTERS

Khi đó, Hạ viện và Thượng viện sẽ tổ chức các phiên họp riêng với thời lượng không quá 2 giờ để tranh luận. Nếu lưỡng viện nhất trí với sự phản đối này, kết quả phiếu đại cử tri tại bang đó sẽ bị bác bỏ. Trong trường hợp ngược lại, kết quả ban đầu được giữ nguyên.

Dù vậy, sự kịch tính nêu trên nhiều khả năng không thể thay đổi kết quả bầu cử, bởi Đảng Dân chủ hiện vẫn kiểm soát Hạ viện trong khi lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell không ủng hộ nỗ lực thách thức kết quả.

Do đó, giới phân tích khẳng định phiên họp quốc hội sắp tới chẳng mang lại điều gì cho Tổng thống Donald Trump ngoài “một thất bại khác”. Bất chấp những đánh giá đó, Tổng thống Donald Trump hôm 4-1 nhấn mạnh sẽ chiến đấu hết mình để tại vị, ngăn Đảng Dân chủ “lấy Nhà Trắng” khi tới bang Georgia vận động cho Đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Thượng viện.

Bên cạnh đó, ông chủ Nhà Trắng còn gây sức ép lên Phó Tổng thống Mike Pence, người chủ trì cuộc họp quốc hội hôm 6-1, để vị này hành động ủng hộ ông.

“Tôi hứa với mọi người rằng ngày 6-1 sẽ là ngày của chúng ta tại quốc hội” – Phó Tổng thống Pence khẳng định trước thềm cuộc cạnh tranh giữa 2 thượng nghị sĩ Cộng hòa đương nhiệm David Perdue, Kelly Loeffler và 2 ứng viên Dân chủ Jon Ossoff, Raphael Warnock.

Cuộc đua tại bang Georgia, diễn ra vào ngày 5-1 (giờ địa phương), sẽ quyết định cán cân quyền lực tại quốc hội. Nếu cả 2 ứng viên Dân chủ giành chiến thắng, Thượng viện sẽ cân bằng với tỉ lệ 50-50 và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris sẽ là người đóng vai trò phá vỡ thế bế tắc, giành quyền kiểm soát cho Đảng Dân chủ.

Dù vậy, theo AP, một Thượng viện với thế đa số mong manh không thể bảo đảm cho ông Biden đạt được các quyết sách ông muốn, đặc biệt là khi các quy định của Thượng viện yêu cầu tối thiểu 60 phiếu để thông qua phần lớn dự luật quan trọng.

Nếu một trong 2 ứng viên Dân chủ thất bại, ông Biden gần như không có cơ hội thúc đẩy nhanh chóng những chương trình nghị sự tham vọng, như giải quyết bất bình đẳng sắc tộc hay chống biến đổi khí hậu. “Georgia, cả đất nước đang trông chờ vào các bạn. Quyền lực đang thực sự nằm trong tay các bạn” – ông Biden khẳng định trong cuộc vận động cho Đảng Dân chủ ở TP Atlanta, bang Georgia, hôm 4-1.

Cùng ngày, ông Walter Jones – phát ngôn viên của Tổng Thư ký bang Georgia Brad Raffensperger – cho biết việc kiểm đếm chậm phiếu bầu bỏ qua thư ở bang này trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11-2020 có thể tái diễn, bởi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỉ lệ ủng hộ dành cho 4 ứng viên nêu trên đang rất sít sao. “Kết quả có thể chậm trễ vài ngày” – ông Jones khẳng định.

Siết chặt an ninh

Giới chức thủ đô Washington D.C cảnh báo người ủng hộ Tổng thống Donald Trump không mang súng đến các cuộc biểu tình phản đối quốc hội chứng nhận kết quả bầu cử chính thức vào ngày 6-1.

Trong cuộc họp báo ngày 4-1 (giờ địa phương), Cảnh sát trưởng Vùng đô thị Washington D.C, ông Robert Contee, cho biết một lực lượng hỗn hợp gồm cảnh sát Điện Capitol, cảnh sát công viên, mật vụ và hơn 300 binh sĩ của Vệ binh quốc gia đã được huy động. Cùng ngày, Cảnh sát Washington D.C đã bắt thủ lĩnh nhóm cực hữu Proud Boys, Henry “Enrique” Tarrio, với cáo buộc phá hoại tài sản liên quan đến cuộc biểu tình trước đó.

Theo Reuters, dự kiến hàng ngàn người ủng hộ ông Trump sẽ tham gia biểu tình, nhất là sau khi đích thân tổng thống Mỹ đương nhiệm tuyên bố trên Twitter rằng: “Tôi sẽ có mặt”. Một nguồn tin của Reuters tiết lộ Tổng thống Donald Trump sẽ phát biểu trước người ủng hộ vào ngày 6-1 tại Ellipse, công viên ở phía Nam Nhà Trắng.

Trong khi đó, Thị trưởng Muriel Bowser của thủ đô kêu gọi người dân tránh xa khu vực trung tâm trong ngày 6-1. Nhiều văn phòng, nhà hàng, khách sạn… ở khu vực này đã gia cố cửa nẻo bằng ván gỗ. Theo chỉ đạo của bà Bowser, Sở An ninh nội địa và Cục Phản ứng khẩn cấp của Washington D.C kích hoạt Trung tâm Điều hành khẩn cấp để phối hợp hoạt động với các lực lượng cấp bang và liên bang từ ngày 5-1.

Bloomberg cho biết các nghị sĩ Mỹ cũng nhận được hướng dẫn an ninh khẩn cấp trước phiên họp chung. Trước kịch bản biểu tình và phong tỏa đường phố gây ảnh hưởng đi lại, các thành viên và nhân viên quốc hội được hướng dẫn sử dụng hệ thống đường hầm để di chuyển trong khuôn viên Điện Capitol và đến các tòa nhà lân cận.

Hải Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.