Nghiên cứu khoa học rỗng tuếch chất xám là dạy học sinh sự dối trá
Nghiên cứu khoa học, phát minh, sáng chế không đợi tuổi, cho nên chuyện học sinh nghiên cứu khoa học là bình thường. Điều không bình thường là người lớn tham gia, can thiệp vào quá nhiều, cuộc thi của học sinh trở thành cuộc thi của thầy cô giáo.
Bộ GD-ĐT vừa công bố 91 dự án đoạt giải trong Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020 – 2021. Trong số đó, 12 đề tài giành giải nhất làm làm kinh ngạc cả những nhà khoa học.
Dự án “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của nhóm học sinh Trường THPT Hoa Lư A, tỉnh Ninh Bình đoạt giải Nhất tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2021, được cho là giống với một dự án từng đoạt giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật tỉnh Ninh Bình năm 2019 là “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân” của em Cao Nguyễn Hùng và Nguyễn Đình Nhật Tân (học sinh lớp 12A và 12G Trường THPT Hoa Lư A, Ninh Bình).
Báo Lao Động ngày 29.3.2021 có bài “Học sinh thi khoa học kỹ thuật: Đừng chỉ là người thi thay cho giáo viên” có đưa thông tin: Gần đây, xảy ra vụ việc dự án đạt giải Nhì cấp tỉnh là đã được công nhận ở tỉnh khác cách đó 2 năm; dự án đạt giải Ba lại không khác ý tưởng với ý tưởng sáng tạo của thanh niên trong tỉnh được công nhận vài tháng trước đó.
Câu hỏi đặt ra là sự trùng hợp này có “vô tình” hay không, và về mặt nghiên cứu khoa học có nghiêm túc hay không?
Với mục đích động viên học sinh nghiên cứu khoa học để tìm tài năng khoa học, “học đi đôi với hành”, thì tổ chức cuộc thi là rất đáng ủng hộ, nhưng trên thực tế còn có những điều làm dư luận hoài nghi, không tin tưởng vào chất lượng và kết quả cuộc thi.
Nhưng có nhiều thông tin từ giáo viên và học sinh, qua 9 cuộc thi cho thấy đây không phải là sân chơi khoa học của học sinh mà là đường đua thành tích của nhà trường, của thầy cô giáo.
Hãy tổ chức sân chơi nghiên cứu khoa học cho học sinh, để lôi các em ra khỏi những trang lý thuyết, để sau này xã hội không dư thầy mà thiếu thợ, chỉ đơn giản thế thôi, đừng quá to tát.
Qua đó, dạy dỗ con em chúng ta tính trung thực khoa học, sự nỗ lực của bản thân, sự độc lập suy nghĩ, dưỡng nuôi niềm đam mê học thuật.
Rèn cho học sinh tính độc lập nhưng biết làm việc nhóm, hợp tác với người khác để làm ra sản phẩm, đạt được kết quả.
Ngược lại nếu chỉ để khoe khoang thành tích, hoang tưởng khoa học với những siêu dự án tầm thế giới mà rỗng tuếch chất xám, thì hậu quả không chỉ là lãng phí thì giờ và tiền bạc của xã hội, mà nguy hiểm hơn là dạy cho con cái chúng ta sự dối trá.