Vạn Điều Hay

Bí ẩn món đồ thiêng, giới đồ cổ mê nhưng không mua được ở Lâm Đồng

Chia sẻ

Có người đưa ra mức giá trên trời, ông K’Mun Sơn có làm trăm mùa lúa cũng không có được số tiền nhiều như vậy. Thế nhưng, ông vẫn một mực từ chối bán.

Dàn ché cổ vô giá của gia đình ông K’Mun Sơn. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Chứa đựng linh hồn tổ tiên

Trên ngôi nhà sàn bằng gỗ truyền thống, ông K’Mun Sơn (người dân tộc K’Ho, ngụ huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) lặng lẽ vệ sinh dàn ché “khủng” của gia đình một cách trân trọng. Tại huyện, ông là người cuối cùng còn lưu giữ được số lượng ché nhiều và đầy đủ đến vậy.

Ông nói, khi buôn làng phát triển theo nhịp đô thị hóa, chiêng, ché cũng từ trong nhà sàn, nhà rông chạy vào tay giới cổ vật. Hằng năm, ông phải tiếp và từ chối không biết bao nhiêu tay buôn cổ vật đến tham quan, hỏi mua dàn ché của mình.

Thậm chí, có người đưa ra mức giá trên trời, ông có làm trăm mùa lúa cũng không có được số tiền nhiều như vậy. Thế nhưng, ông vẫn một mực từ chối. Bởi, với ông, ché là vật thiêng, linh hồn của dân tộc K’Ho.

“Ché có hồn thiêng. Ngày xưa, để có ché, tổ tiên chúng tôi phải đổi bằng trâu, dê, voi có ngà dài…Ché như một vị thần trong mỗi gia đình người K’ho. Nói cho đúng là người dân chúng tôi lấy ché làm vật tượng trưng, thay thế cho cái hồn, thần trong gia đình. Người K’Ho trước đây, khi muốn cầu xin điều gì cũng phải cúng ché”, ông K’Mun Sơn nói.

Theo lời ông, để ché linh thiêng, có hồn, người K’Ho phải thực hiện lễ cúng ché. Sau khi bày biện đủ lễ vật dâng lên Yàng (thần linh-PV), chủ nhà sẽ đọc bài khấn rước thần ché về nhập vào vật này.

Sau nghi thức trên, gia chủ cẩn trọng bưng ché đặt vào những vị trí trang trọng trong nhà rồi cùng khách mời ăn mừng ché mới. Kết thúc lễ ăn mừng, ché được xem là đã chứa đựng linh hồn tổ tiên của gia chủ, thần linh cũng đã ngự trị trong ché.

Ông K’Mun Sơn cho biết, trong văn hóa người K’Ho tại cao nguyên Di Linh, ché đựng linh hồn tổ tiên gia chủ. Đây cũng là nơi thần linh ngự trị. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Thông tin thêm về loại vật thiêng này, già làng K’Tiếu (thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh) cho biết, ché là biểu tượng tâm linh, vật thiêng của người K’Ho. Thế nên, các dịp lễ, Tết, gia chủ phải làm lễ cúng ché.

“Thường ngày, không ai được vấy bẩn lên ché, không được tự ý dời đổi ché khỏi vị trí. Khi lỡ may làm vỡ ché, gia chủ phải làm lễ cúng với mục đích xin thần linh tha thứ và tiễn đưa hồn thiêng ngự trị trong ché về nơi khác. Kết thúc lễ cúng, gia chủ mới được đem chiếc ché vỡ ra khỏi nhà”, già làng K’Tiếu thông tin thêm.

Biểu tượng của sự phồn thịnh

Quý hiếm, có ý nghĩa quan trọng là thế nhưng đa số người K’Ho tại cao nguyên Di Linh không hề biết nguồn gốc xuất xứ của loại vật thiêng này. Thậm chí, người được xem là “kỷ lục gia” về sở hữu ché tại Di Linh như ông K’Mun Sơn cũng không nắm rõ.

Ông nói, người K’Ho không biết làm gốm. Thế nhưng ché được làm bằng gốm nên nó có xuất xứ từ nơi khác. Chia sẻ về dàn ché hơn 30 cái lớn nhỏ của mình, ông Sơn cho biết, khi ông sinh ra nhà đã có dàn ché này rồi.

Khi cha mẹ ông mất, ông được dặn rằng: “Ché này có từ thời xa xưa. Tuổi ché lớn hơn tuổi cha con, lớn hơn tuổi ông bà con. Ông bà tổ tiên để lại cho cha, cha để lại cho con, con phải truyền lại đời đời”.

Ông Sơn phỏng đoán, tính đến đời ông, bộ ché có thể đã hơn 100 năm tuổi. Ông Sơn kể: “Tôi cũng không biết ché có từ bao giờ, có từ đâu. Nhưng khi còn nhỏ, ông bà, cha mẹ tôi hay kể rằng, để có ché, người xưa phải cùng nhau gùi thức ăn, băng rừng, lội suối xuống Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đổi, đem về”.

Một trong những chiếc ché cổ có giá trị cao của già làng K’Tiếu. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

“Ông bà kể, mọi người chỉ đi bộ và đi 7 ngày 7 đêm mới đến nơi. Họ phải đổi trâu bò, vàng, bạc để lấy ché rồi cõng ché quay ngược về nhà. Đó là một hành trình dài và có người đã nằm lại, không thể về buôn, làng của mình”, ông Sơn chia sẻ thêm.

Trong khi đó, nói về giá trị của ché, già làng K’Tiếu tặc lưỡi: “Ché quý lắm. Người K’ho chúng tôi có câu thế này: “Một mạng người 2 con trâu mới được một cái ché”. Nói như thế để hiểu trong đời sống văn hóa, tâm linh của người K’Ho, ché quan trọng, quý giá đến nhường nào”.

Cũng theo già Tiếu, ngoài mang ý nghĩa tâm linh, trước đây, ché còn tượng trưng cho sự sung túc, quyền uy, sức mạnh của người sở hữu. Bởi, trong cộng đồng người K’Ho, không phải ai cũng có thể sở hữu những chiếc ché to, chạm, khắc, đắp nổi hoa văn tinh xảo.

Già làng K’Tiếu quả quyết: “Ngày xưa, người ta mua ché để thể hiện năng lực kinh tế, sự giàu có của mình. Nhà nào có chum, có ché là có tiếng nói, có uy tín trong buôn làng. Ai càng có nhiều ché, người đó càng có vị trí trong buôn làng và được bà con tôn trọng”.

“Thế nhưng, bây giờ, hiện đại rồi, không ai còn lấy việc có nhiều ché ra xét vị trí, sức ảnh hưởng của người đó đến cộng đồng nữa. Tục thờ ché cũng dần mờ nhạt. Chúng tôi bây giờ đa số chỉ giữ ché như một cách bảo tồn vật phẩm gắn bó với văn hóa tâm linh của dân tộc mình”, già K’Tiếu nói thêm.

Nguyễn Sơn