Thị trường chứng khoán bùng nổ cuối năm nhờ dòng tiền lớn đổ vào và sự kỳ vọng triển vọng tươi sáng của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp báo lợi nhuận cao bất ngờ khi chuẩn bị chuyển sang năm mới.
Tiếp tục đà tăng dữ dội, cổ phiếu VCI của Công ty Chứng khoán Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng gây sốt trong những phiên gần đây. VCI tăng trần 2 phiên và tăng mạnh 1 phiên trong 4 phiên vừa qua.
Tính trong 5 tháng qua, cổ phiếu VCI đã tăng gấp 2,5 lần lên trên mức 50.000 đồng/cp như hiện nay. Còn tính từ đáy hồi tháng 3, cổ phiếu của bà Nguyễn Thanh Phương đã tăng khoảng 4 lần.
Như vậy, sau những cú bứt phá ngoạn mục của các cổ phiếu lớn như Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long, Cơ điện lạnh REE của bà Nguyễn Mai Thanh, Vinamilk (VNM) của bà Mai Kiều Liên, HSG của ông Lê Phước Vũ… nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ cũng tăng mạnh.
Bữa tiệc của cổ phiếu vừa và nhỏ dường như đã bắt đầu với sự bứt phá của nhiều mã như FLC, PND, VXT…
Nhóm cổ phiếu “họ FLC” bứt phá khá ngoạn mục. Cổ phiếu FLC tăng mạnh từ mức khoảng 2.700 đồng/cp hồi tháng 8 lên mức 4.500 đồng/cp. Một loạt các cổ phiếu “họ FLC” khác như ROS, AMD, KLF, ART tăng trần trong phiên 23/12.
Một điểm đáng lưu ý là thanh khoản của nhiều mã penny rất tốt, với sức cầu tăng vọt trong bối cảnh các cổ phiếu blue-chips đã tăng nhiều trong vài tháng qua và đứng trước áp lực bán chốt lời.
Trong khi FLC tăng mạnh nhờ thị giá thấp và lời hứa của ông Trịnh Văn Quyết rằng FLC sẽ về mệnh giá, thì VCI của bà Nguyễn Thanh Phượng gây sốt nhờ tin tốt được tung ra vào những ngày cuối năm.
CTCP Chứng khoán Bản Việt do bà Nguyễn Thanh Phượng làm Chủ tịch HĐQT vừa đưa ra con số lợi nhuận ước tính trong năm 2020. Theo đó, công ty chứng khoán này ước lãi trước thuế khoảng 850 tỷ đồng.
Đây là một con số không ấn tượng nếu so với năm trước nhưng là rất tốt nếu so với kế hoạch doanh nghiệp này đặt ra cho năm 2020 (tăng 55%).
Trước đó, doanh nghiệp của bà Phượng đã liên tục công bố thông tin không mấy tích cực cho năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid. Dịch đã khiến hoạt động mảng ngân hàng đầu tư (IB) chậm lại.
Tuy nhiên, đến nửa cuối năm 2020, mảng IB đã tăng tốc trở lại và dòng tiền từ các thương vụ có thể sẽ còn được đẩy nhiều sang năm 2021.
Bên cạnh đó, VCI cũng ghi nhận thông tin tích cực sau khi mua lại gần 194 tỷ đồng giá trị trái phiếu trong khoảng thời gian từ 8/9 đến 24/11/2020 thay vì đáo hạn vào năm 2022.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 24/12, chỉ số VN-Index tăng nhẹ lên trên ngưỡng 1.080 điểm.
Theo SHS, áp lực chốt lời khiến thị trường chưa chinh phục được ngưỡng kháng cự 1.084 điểm (đỉnh tháng 5/2018). Dù vậy, thanh khoản trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) tiếp tục lập kỷ lục với 813 triệu cổ phiếu giao dịch. Nó cho thấy sự quan tâm lớn của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán. Basis trên thị trường phái sinh duy trì mức dương lớn từ 8 đến 9,4 điểm cho thấy các nhà giao dịch đang kỳ vọng thị trường sẽ sớm bật tăng lại như sau các phiên giảm trước đó.
Với xu hướng thị trường hiện nay thì VN-Index có thể tiếp tục gặp áp lực bán và rung lắc với ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 1.084 điểm. Nhà đầu tư đang sử dụng margin cao có thể tiếp tục bán ra giảm tỷ trọng trong các nhịp tăng để giảm rủi ro nếu thị trường đảo chiều mạnh.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/12, VN-Index giảm 4,55 điểm xuống 1.078,9 điểm; HNX-Index tăng 2,4 điểm lên 190,25 điểm. Upcom-Index tăng 0,77 điểm lên 73,59 điểm. Thanh khoản đạt 17,4 nghìn tỷ đồng.
V. Hà