Vì không có giấy tờ tùy thân, 30 năm qua, anh Dũng phải chấp nhận “nhiều không”, không bạn bè, không đi học, không công việc chính thống và cũng không thể mua được bất cứ tài sản gì cho mình.
8h sáng 16/3, một ngày đặc biệt, anh Lê Quốc Dũng, 30 tuổi, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội dậy sớm hơn mọi ngày. Dắt chiếc xe đạp cà tàng ra khỏi căn phòng trọ chật hẹp, anh Dũng háo hức đến trụ sở UBND phường Bồ Đề cách đó không xa.
Với anh, ngày 16/3 đánh dấu cột mốc đáng nhớ nhất cuộc đời, ngày mà anh được cấp giấy khai sinh, sau 30 năm sống “vô hình” giữa Thủ đô.
Tại bộ phận một cửa, sau khi nộp tiền phí và hoàn tất thủ tục, anh Dũng được cán bộ UBND phường Bồ Đề trao giấy khai sinh – tờ giấy mà anh mong mỏi sẽ có được trong một hành trình dài và nhiều biến cố.
“Tôi đã được khai sinh, tờ giấy này có ý nghĩa rằng tôi đã tồn tại trên đời này”, anh xúc động.
“Tôi đã quá cùng qυẫи, như một người ngoài lề xã hội”
Anh Dũng kể, vào ngày 17/11/1991 khi mới chào đời được một ngày, anh bị bỏ rơi trên phố Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội. Anh được gia đình bà K.T.M. (trú tại phường Trúc Bạch) nhận về nuôi. Thời điểm đó, anh không được làm giấy khai sinh. Khi hỏi gia đình về giấy tờ tùy thân, họ chỉ nói với anh rằng không thể làm được.
Nhiều năm sống cùng bố mẹ nuôi, lên 9-10 tuổi, anh mới được đi học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên, lớp xóa mù chữ, dự thính hết lớp 5. Anh không có tên trong danh sách chính thức, không học bạ.
Tốt nghiệp, khi vừa chập chững 15-16 tuổi, anh giấu gia đình đi làm tiếp thị gas. Cuộc sống khó khăn vì nhà đông người.
Năm 2012, bà M. ๓ất vì вệин тậт. Hai năm sau, anh cũng rời đi khỏi gia đình, trên người không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào: không giấy khai sinh, không hộ khẩu, không chứng minh thư nhân dân.
Anh không xin được việc làm chính thức, thỉnh thoảng làm vài công việc lao động tay chân sống qua ngày. Có thời điểm, anh làm rửa xe dưới Thịnh Liệt, sống trong lều của nhà chủ. Một thời gian sau, anh chuyển sang làm bảo vệ, mức lương 3 triệu đồng/tháng, chi trả một nửa cho tiền thuê trọ, số tiền còn lại chỉ đủ sống dè dặt.
Vì không có giấy tờ tùy thân, 30 năm qua, anh Dũng phải chấp nhận “nhiều không”, không bạn bè, không đi học, không công việc chính thống và cũng không thể mua được bất cứ tài sản gì cho mình.
Trong 6 năm, từ 2014 – 2020, anh đã cố gắng tự tìm mọi cách để xin được cấp giấy khai sinh, chứng minh thư nhân dân, tuy nhiên đều không có kết quả. “Tôi đã quá cùng quẫn, như một người ngoài lề xã hội, vì không có bất kỳ thứ giấy tùy thân nào”, anh nói.
Không bỏ cuộc, anh Dũng kiên nhẫn đăng bài trên các diễn đàn, nhưng đều nhận được sự tư vấn chung chung. Bất ngờ, một văn phòng luật sư đã đứng ra tư vấn miễn phí, hướng dẫn anh làm đơn gửi lên Sở Tư pháp và chính quyền địa phương.
Anh được Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn làm đơn tới phường Bồ Đề (nơi anh tạm trú) để làm thủ tục khai sinh. Tháng 4/2020, phường Bồ Đề phản hồi, nhờ UBND phường Trúc Bạch và phường Phúc Xá (nơi anh được nhận nuôi) để xác nhận nơi anh đã từng cư trú.
Sau khi xác minh, UBND phường Bồ Đề vẫn không thể tiến hành đăng ký khai sinh cho anh Dũng, với lý do không xác định được nguồn gốc sinh ra và lớn lên. Đón nhận thông tin này, anh buồn bã và chán nản, đôi lúc muốn từ bỏ tất cả và phó mặc cuộc đời cho số phận.
“Là một con người bình thường nhưng không có giấy tờ tùy thân mang nhiều nỗi khổ tâm lắm. Không được khai sinh, giống như mình chưa từng sinh ra, thì khi mất đi khác gì một người vô hình”, anh tâm sự.
Sau những phút giây mệt mỏi, với khát khao được sống như một công dân bình thường, đầu tháng 1/2021, anh Dũng một lần nữa làm đơn xin được giúp đỡ cấp giấy tờ tùy thân và gửi đến Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp và UBND TP. Hà Nội.
Ngay khi tiếp nhận thông tin của anh Dũng, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) đã lập tức chỉ đạo và tham gia đoàn công tác đến làm việc trực tiếp tại UBND quận Long Biên để tìm giải pháp đăng ký khai sinh cho anh.
Căn cứ vào kết quả xác minh từ các cơ quan liên quan, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cho biết đủ cơ sở xác định anh Dũng là trẻ bị bỏ rơi, được gia đình bà K.T.M nhận nuôi.
Để kịp thời giải quyết việc đăng ký giấy khai sinh và đảm bảo quyền lợi của anh Dũng, Cục đã đề nghị UBND phường Bồ Đề tiếp nhận hồ sơ đăng ký, sử dụng kết quả xác minh và đơn tường trình của anh Dũng để xác định nội dung đăng ký khai sinh cho anh.
Ngày 8/3, anh Dũng nhận được văn bản từ thư ký Bộ Tư pháp về việc đã được chấp thuận làm giấy khai sinh. Sang ngày 11/3, anh ra bộ phận một cửa của UBND phường Bồ Đề để nộp hồ sơ, hẹn ngày 15 trả kết quả.
Chiều 15/3, vì bận bốc vác thuê, anh Dũng xin hoãn sang sáng 16/3 ra phường để nhận giấy khai sinh.
Cầm trên tay tờ giấy mòn mỏi kiếm tìm 30 năm qua, anh xúc động, chỉ biết nói rằng bản thân rất vui, không một ngôn từ nào đủ diễn tả cảm xúc lúc này. Cả đêm hôm trước anh không thể ngủ, cảm giác hồi hộp đan xen. “Tôi đếm từng phút trôi qua để ra phường nhận giấy khai sinh”, anh xúc động.
“Tôi sẽ suy nghĩ đến một cuộc sống tốt hơn trong tương lai”
Trong căn phòng trọ chỉ 10-15m2 tuềnh toàng, mức thuê 1 triệu rưỡi/tháng, không đồ đạc giá trị, đến cả một manh chiếu cũng không, anh Dũng nói rằng vừa chuyển đến đây tháng 11 năm ngoái.
Tết vừa rồi, với anh cũng giống ngày bình thường. Từ 30 Tết đến mùng 5, anh nhận trông giữ xe ở đền, mỗi ngày được trả 500.000 đồng. Hôm sau, có thông báo đóng cửa các đền chùa, khu di tích trước ảnh hưởng của Covid-19, anh lại “thất nghiệp”.
“Làm nghề thời vụ, có việc thì làm, không thì thôi khiến cuộc sống vô cùng khó khăn”, anh nói.
Gần đây, anh xin được chân bốc vác thuê hàng hóa, nhận việc qua zalo, làm ca đêm 8 tiếng, từ 19h tối đến 4h sáng hôm sau, được trả 230.000-270.000 đồng. Trước giờ làm, anh tự nấu cơm, ăn uống đầy đủ để có sức khỏe tốt. Anh nói chỉ dám nhận làm ca đêm, vì ban ngày còn tranh thủ đến các cơ quan chức năng hỏi về thủ tục giấy tờ.
Mỗi bao tải hàng hóa nặng trung bình 20 cân, anh bốc xuyên đêm, đến khi hết hàng thì thôi. Anh cũng không đếm được mình bốc tổng cộng bao nhiêu bao.
Khi được hỏi về giấy khai sinh, anh hào hứng “khoe” với nụ cười tươi rói. Trên đó, phần khai về cha mẹ để trống. 30 năm, anh chưa từng nghĩ đến việc tìm kiếm bố mẹ. Anh không biết vì sao năm đó họ lại bỏ rơi anh. “Thời gian đã quá lâu, muốn tìm lại bố mẹ cũng khó, nên mình không mong cầu vấn đề đó”. Cái tên Lê Quốc Dũng là do bố mẹ nuôi đặt cho anh.
Sau 30 năm, anh chính thức được chứng nhận sự tồn tại trên cuộc đời này. Một hành trình mới lại mở ra trước mắt, khi sắp tới anh mong muốn được cấp căn cước công dân, tuy nhiên thủ tục này rất khó khăn vì bản thân anh không có hộ khẩu.
Anh Dũng đã nghĩ đến việc gửi đơn tới Bộ Công an nhờ xem xét, hoặc xin được nhập khẩu vào một gia đình người quen rồi sẽ tách khẩu sau khi được cấp căn cước công dân.
“Có giấy khai sinh nhưng không có căn cước công dân, cũng khó để xin việc, dù tôi biết với trình độ học vấn hết lớp 5, mình chỉ có thể làm bảo vệ, trông quán game”, anh tâm sự.
Cuối buổi trò chuyện, anh Dũng thẹn thùng khi được hỏi đã có bạn gái chưa. Anh đáp “chưa”, chỉ mong duyên phận sẽ giúp anh gặp được người con gái sẵn sàng cùng mình xây dựng tổ ấm và tiếp thêm sức mạnh để bước tiếp.
Hành trình phía trước còn nhiều gian nan, nhưng anh Dũng nói rằng sẽ không bỏ cuộc. Anh đã vượt qua được 30 năm dài đằng đẵng chứng minh rằng mình tồn tại, thì thời gian tới, anh sẽ càng nỗ lực nhiều hơn.
“Sắp tới tôi sẽ cố gắng làm thẻ căn cước công dân, sau đó sẽ suy nghĩ đến một cuộc sống tốt hơn trong tương lai”, anh nói.