Một loại rau vị hăng có rất nhiều ở Việt Nam nhưng ít ai biết đến những lợi ích cực tốt với sức khoẻ của nó như phòng chống ung thư, ngừa loãng xương, cải thiện trí nhớ…
Hẹ là một loại rau xanh, có mùi thơm nhẹ và hăng giống hành tây. Hẹ thuộc họ Allium bao gồm tỏi, hành tây, tỏi tây,… Từ nhiều thế kỷ trước, các loại rau thuộc họ Allium đã được sử dụng nhiều trong ẩm thực cũng như chữa bệnh.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hẹ có chứa nhiều chất dinh dưỡng cũng như hoá chất thực vật quan trọng không chỉ tốt cho hệ thần kinh, xương khớp mà còn có thể phòng chống được ung thư.
Dưới đây là những lợi ích của hẹ và một số cách kết hợp loại rau này vào chế độ ăn uống hàng ngày của bạn.
Dinh dưỡng trong lá hẹ
Hẹ là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Hẹ chứa ít calo nhưng lại có nhiều chất dinh dưỡng có lợi, bao gồm vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, 1 muỗng canh hẹ cắt nhỏ (3g) có chứa 0,9 calo; 6,38mcg hoặc 5% giá trị vitamin K cần trong 1 ngày (DV); 1,74mg hoặc 2% DV vitamin C; 3,15mcg hoặc 1% DV folate; 6,43mcg hoặc 1% DV vitamin A; 2,76mg canxi; 8,88mg kali.
Lợi ích sức khỏe
1. Phòng ngừa ung thư
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại rau thuộc họ Allium, bao gồm cả hẹ, có thể có tác dụng chống ung thư.
Một nghiên cứu năm 2019 đã nhấn mạnh các hợp chất S-allyl mercaptocysteine, quercetin, flavonoid và ajoene trong hẹ có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa phát triển và lây lan các tế bào ung thư.
Một đánh giá tổng hợp năm 2015 cho thấy các loại rau Allium có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư, đặc biệt là các bệnh ung thư đường tiêu hóa.
Các tác giả của đánh giá này giải thích rằng mặc dù các loại rau Allium có thể giúp ngăn ngừa ung thư, nhưng đa số các nghiên cứu đang chỉ xem xét tác động của tỏi và hành tây nhiều hơn so với lá hẹ. Do đó, họ cho rằng cần tiến hành thêm các nghiên cứu khác để xác định số lượng hẹ một người cần ăn để đạt được tác dụng phòng chống ung thư cũng như các lợi ích sức khoẻ khác.
2. Cải thiện trí nhớ
Hẹ có chứa một lượng nhỏ choline. Choline là một chất dinh dưỡng quan trọng giúp duy trì cấu trúc của màng tế bào. Choline cũng giúp cải thiện tâm trạng, trí nhớ, kiểm soát cơ bắp và các chức năng khác của não và hệ thần kinh.
Các nghiên cứu cho thấy những người trưởng thành ăn nhiều thực phẩm chứa choline sẽ có kết quả tốt hơn trong các bài kiểm tra nhận thức, trong khi những người có mức choline thấp dường như có nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer cao hơn.
Hẹ chứa cả folate, một chất được cho là có liên quan đến phòng chống rối loạn nhận thức và rối loạn tâm trạng. Sự kết hợp của choline và folate trong hẹ có thể giúp cải thiện trí nhớ và ngăn ngừa sự phát triển của các bệnh như mất trí nhớ và Alzheimer.
3. Ngăn ngừa loãng xương
Hẹ chứa nhiều Vitamin K, một thành phần quan trọng giúp tăng cường gắn kết canxi vào khung xương, làm tăng mật độ xương.
Các chuyên gia khuyên mọi phụ huynh nên chú trọng bổ sung vitamin K trong suốt các giai đoạn phát triển của trẻ để cải thiện mật độ xương cũng như ngăn ngừa nguy cơ loãng xương những năm tháng sau này.
Hiện các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu hiệu quả của việc bổ sung vitamin K trong điều trị loãng xương. Nhiều quốc gia châu Á cũng đang áp dụng phương pháp bổ sung loại vitamin này trong điều trị loãng xương.
4. Tốt cho sức khoẻ của mắt
Hẹ cũng chứa lutein và zeaxanthin. Theo một số nghiên cứu, lutein và zeaxanthin tích tụ trong võng mạc mắt giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng do tuổi tác. Điều này có nghĩa là ăn thực phẩm giàu các chất này có thể có lợi cho thị lực.
5. Hỗ trợ điều trị cảm mạo và ho
Theo dân gian, hẹ thường được kết hợp với gừng, mật ong hoặc đường phèn để hỗ trợ điều trị một số bệnh như cảm mạo và ho, đặc biệt ở đối tượng trẻ nhỏ.
Lưu ý khi sử dụng hẹ
Một số người bị dị ứng với hành tây hoặc một số loại rau thuộc họ Allium cũng có thể dị ứng với hẹ.
Hẹ có thể gây cảm giác khó chịu dạ dày nếu ăn một lượng quá nhiều. Do đó, mọi người nên thận trọng, tránh ăn quá nhiều hẹ.
Bạn có thể thêm hẹ vào nhiều món ăn khác nhau như canh, xào thịt bò/tôm, trứng tráng, salad, gỏi, bánh,…
Nếu muốn sử dụng hẹ để hỗ trợ điều trị bệnh, bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa.
(Nguồn: Web MD, Medical News Today)