Mới 29 tuổi nhưng chị Nguyễn Thị Hồng (thôn Phú Hạ, xã Tân Phú, Quốc Oai, Hà Nội) đã có 8 lần sinh nở. Con đầu 12 tuổi, con nhỏ nhất chưa đầy tháng.
Chị Hồng kết hôn năm 2005, có con đầu lòng khi vừa tròn 19 tuổi. Bé đầu được 8 tháng, chị mang thai bé thứ 2, cứ thế trung bình 1 năm người phụ nữ này đẻ 1 con.
Chị Hồng đẻ 8 người con sau 12 năm kết hôn
Việc sinh đẻ của chị diễn ra hết sức dễ dàng, thuận lợi, bé thứ 7 được chồng chị đỡ ngay tại nhà, các bé còn lại được sinh thường ở trạm y tế xã, bé thứ 8 được sinh ở BV huyện.
Chị Hồng cho biết: “Nhà cũng muốn đẻ thưa nhưng không được, chửa đến 3-4 tháng mới biết nên cứ đẻ thôi”.
Chị Hồng vừa đi làm về chưa kịp nghỉ ngơi, quần áo vẫn còn lấm lem vội cho con bú
Sinh 8 người con, chị uống thuốc tránh thai thì chóng mặt, đặt vòng cũng không hợp. Sau khi sinh bé thứ 7, chị bị u nang buồng trứng, phải cắt đi một bên một bên buồng trứng. Sau đợt đó, lại thêm bé thứ 8 ra đời.
Bà Lê Thị Đầy, cộng tác viên dân số của thôn cho biết, bên dân số xã có đến tuyên truyền nhưng đâu lại vào đấy. Mỗi lần đến thì lại thấy chị ấy có thêm 1 mặt con. Có lần chị mang bầu đến tháng thứ 6 nhưng vẫn đinh ninh do mình béo nên phát tướng.
“Mỗi lần ra trạm y tế, gặp bác quản lý dân số và chị hộ sinh tôi ngại lắm”, chị Hồng tâm sự.
Trong 8 lần sinh, vợ chồng chị nhớ nhất là lần thứ 7. Nhà nghèo không có tiền siêu âm, hai vợ chồng chỉ tính ngày ước chừng để lên trạm y tế sinh con. Hôm đó, đúng đêm 30, rạng sáng mùng 1 Tết năm 2016, chị trở dạ sinh con ngay trên giường. Do không kịp chuẩn bị trước, chồng chị bất đắc dĩ thành “bà đỡ”, sau đó anh dùng xe bò đưa hai mẹ con lên trạm y tế xã sơ cứu, cắt rốn.
Chị Hồng buồn rầu: “Thế nhưng bé đột ngột qυα đờι khi mới 20 ngày tuổi mà không rõ nguyên nhân”.
Bé An, con thứ 5 và là con trai duy nhất của vợ chồng chị Hồng
Đẻ 13 ngày nai lưng đi phụ hồ
Gia đình chị Hồng thuộc diện nghèo nhất xã. Anh Đỗ Công Trường, chồng chị (33 tuổi) làm nghề thợ xây với thu nhập bấp bênh, chỉ hơn 3 triệu đồng mỗi tháng.
5 đứa lớn đang tuổi đi học, tuy nhiên, gia đình không lo được tiền bán trú mẫu giáo nên bé thứ 5, cũng là cậu con trai duy nhất của anh chị, phải ở nhà.
Mới đẻ con thứ 8 được ít ngày, chị phải ra công trường xây dựng dọn vệ sinh, phụ hồ để kiếm tiền lo cho con ăn học. Chị kể: “Đẻ đứa thứ 8 được 13 ngày là tôi phải đi làm. Tôi giấu cả làng cả xã, cả chủ thợ là mình vừa đẻ, nếu biết thì họ không cho tôi làm”.
Cha mẹ đi làm suốt ngày, ở nhà, lũ trẻ tự trông nhau. Đông con, nhà chật nên buổi tối các bé phải “san bớt” xuống nhà ông bà nội ngủ nhờ.
Nguyễn Thị Bống (58 tuổi, mẹ chồng chị Hồng) cho biết: “Tôi muốn ở cùng để đỡ đần con, chăm sóc đàn các cháu, nhưng hoàn cảnh cũng khó khăn. Tôi đi làm buổi đực buổi cái, ông lại đau ốm suốt nên chẳng giúp được bao nhiêu”.
Quần áo của các con hiếm khi chị mua đồ mới, cô chị mặc chật cô em lớn lên lại mặc tiếp. Bữa cơm thường xuyên chỉ có bát canh rau với cơm trắng. Thương nhất là những hôm con đến kỳ đóng học, giục giã, chị thường phải nói dối là chưa có tiền lương.
Nhà là hộ nghèo nên gánh nặng kinh tế ngày càng đè lên vai của đôi vợ chồng trẻ tuy nhiên điều may mắn là các bé đều mạnh khỏe. Chị cho biết đông con nên lúc nào không khí gia đình cũng vui vẻ, nhộn nhịp.
Bà Bống cùng ở nhà trông cháu phụ giúp vợ chồng trẻ. Ảnh: Hoàng Cư.
“Đi làm về, các cháu ùa vào hỏi mẹ có mệt không, tất cả điều đó cũng làm tôi thấy bớt mệt đi nhiều”, chị Hồng tâm sự.
“Nhìn đàn con thơ, đòi đủ thứ mà mình không có tiền mua cũng cảm thấy buồn. Lắm lúc, trong túi không có tiền, nhà nghèo đi vay cũng chẳng ai muốn giúp. Cả nhà cứ dựa vào nhau, chắp vá cũng đủ sống qua ngày”.
Đỗ Thị Duyên (10 tuổi, đứa con thứ 2) đã biết trông em giúp bà nội khi bố mẹ đi làm. Ảnh: Hoàng Cư.
Sau tất cả, 8 người con là món quà và niềm vui của đôi vợ chồng trẻ. Chị Hồng tâm sự, các con khỏe mạnh, vui vẻ lớn lên là niềm hạnh phúc của anh chị.