Vạn Điều Hay

Một thế hệ cha mẹ ám ảnh vì chiều cao: Coi đây là giấy thông hành vào đời, trả số tiền lớn, chấp nhận cắt xương đùi của con để thoát “án lùn”

Chia sẻ

Sự ám ảnh liên quan tới chiều cao đang dần thay đổi tư duy của mọi người. Phải cao mới là chuẩn mực xã hội, mới có cơ hội đổi đời.

Chiều cao trở thành thước đo đánh giá, quyết định thành bại đời người

Theo thống kê của Viện dinh dưỡng quốc gia, chiều cao trung bình của người Việt Nam là 163.7 cm với nam và 153 cm với nữ. Với con số này, chúng ta nằm trong danh sách top những quốc gia có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới. 

Đây cũng là hiện trạng chung của nhiều nước châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… trong suốt một giai đoạn rất dài. 

Có lẽ vì vậy, nỗi ám ảnh về chiều cao đang dần trở thành một phần cố định trong tư duy mọi người. Theo New York Times, một số đơn vị tuyển dụng như Bộ Ngoại giao Trung Quốc, China Southern Airlines, một số khách sạn hay trường đại học luật ở quốc gia này còn đặt ra giới hạn chiều cao tối thiểu cho các ứng viên, thí sinh. 

Nhiều nơi còn đưa ra mức lương thưởng phụ thuộc vào chiều cao của nhân viên. Theo Sohu, cứ cao thêm một inch (2.54 cm), thu nhập hàng năm của một người sẽ tăng thêm 800 USD.

Trong cuốn sách “Factory Girls: Voices from the Heart of Modern China”, tác giả đã nhận xét như sau:

“Chiều cao là nỗi ám ảnh chung của người Trung Hoa. Quốc gia này đã trải qua nhiều năm suy dinh dưỡng và nạn đói, sự cao lớn với họ đại diện cho vận may”.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Hàn Quốc. Đại đa số người dân quốc gia này coi chiều cao trở thành thước đo địa vị và quyết định cách người đó được đối xử. Họ đều tin rằng việc bạn cao hay lùn sẽ quyết định thành bại của cuộc đời, thậm chí ảnh hưởng tới khả năng kết hôn, lập gia đình trong tương lai.

Nỗi ám ảnh này được thể hiện đặc biệt trong thế hệ phụ huynh trẻ. Họ là những người sẵn sàng làm tất cả để thúc ép quá trình tăng trưởng chiều cao cho con cái mình.

Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, thà làm mọi cách để con cao thêm 10cm hơn là nhận 10 tỷ, hơn cả chuyện học hành. Vì học tập còn có thể bù đắp trong tương lai, nhưng nếu không cải thiện chiều cao từ nhỏ thì sau này không còn cơ hội nào nữa.

Những đứa trẻ đã phải đi phòng khám tăng trưởng 3 lần/tuần để trị liệu hàng tiếng đồng hồ, tập các động tác bổ trợ chiều cao, siết chân và bụng bằng dây đai để kéo dài cột sống, thậm chí là châm cứu vào khóe miệng, cổ tay và da đầu. Các loại thuốc được quảng cáo là thúc đẩy tăng trưởng chiều cao, từ Tây y tới Đông y, thì đắt hàng như tôm tươi.

Bị ảnh hưởng bởi tư duy của cha mẹ, một số thanh niên khi trưởng thành cũng sẵn sàng trả số tiền lớn, chịu nhiều đau đớn để tham gia các cuộc phẫu thuật kéo dài chân. Kể cả việc cắt đôi xương đùi rồi dùng đinh thép nối chúng lại với nhau cũng không ít người dám thử. 

Với những ca phẫu thuật không thành công, người đó phải chịu hậu quả tàn tật suốt đời. Thậm chí, dù là thành công, vẫn còn nhiều biến chứng và rủi ro kéo dài như tê liệt, tổn thương dây thần kinh, gãy xương, dãn mạch máu…

Tuy các nghiên cứu gần đây chỉ ra, chiều cao của thanh thiếu niên châu Á nói chung đã tăng lên đáng kể, nhưng dường như vẫn là chưa đủ trong lòng phụ huynh.

Tốc độ tăng trưởng chiều cao của nam giới Trung Quốc xếp hàng đầu thế giới, còn nữ giới thì xếp ở vị trí thứ 3. Tuy nhiên, họ vẫn cho rằng thua kém chiều cao hiện tại của Hàn Quốc và Nhật Bản. 

Theo thống kế của Đại học Imperial College London, có thể thấy rằng năm 1914, dù là nam hay nữ, chiều cao của người Trung Quốc đều vượt xa, nhưng sau 100 năm, tức là năm 2014, lợi thế về chiều cao đã giảm xuống đáng kể, đặc biệt chiều cao trung bình của nam giới thấp hơn Hàn Quốc 3 cm. Theo đó, sau 100 năm, Trung Quốc tăng 10 cm, Nhật Bản tăng 10.6 cm và Hàn Quốc tăng 15.1 cm, chỉ tính riêng nam giới.

Những cách gia tăng chiều cao khoa học nên học tập từ Nhật Bản và Hàn Quốc

1. Xây dựng thói quen uống sữa

Nhật Bản phát động phong trào “Một ly sữa củng cố Tổ quốc”, để trẻ em hình thành thói quen uống sữa. Các trường học cũng cho học sinh uống sữa giữa các tiết học vào khoảng 10h sáng mỗi ngày. 

2. Tăng cường vận động ngoài trời

Nhật Bản rất coi trọng các tiết học thể dục của học sinh – sinh viên trên trường. Cho dù kỳ thi quan trọng gần kề, các tiết thể dục cũng không bị hủy bỏ. Những buổi hội thao toàn trường được tổ chức định kỳ.

Họ thường xuyên tổ chức và dành thời gian để các nhóm hoạt động ngoại khóa cho thanh thiếu niên ở trường và tại địa phương. Có nhiều địa điểm tập thể thao mở cửa miễn phí để mọi người có thể rèn luyện nhiều hơn.

3. Đi ngủ sớm

Trẻ em Hàn Quốc thường ngủ trước 10 giờ vì quá trình tiết hormone tăng trưởng diễn ra mạnh mẽ trong khi ngủ và nó sẽ đạt đỉnh điểm trong vòng 1-4 giờ khi cơ thể ngủ sâu. 

Trong khi đó, nhiều trẻ em Việt Nam hiện nay ngày càng ngủ muộn theo nhịp sống của cha mẹ. Khối lượng bài tập về nhà lớn cũng khiến trẻ căng thẳng, không có được giấc ngủ ngon và sâu giấc. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới chu kỳ phát triển của cơ thể.

4. Chỉnh sửa tư thế đúng ngay từ khi còn nhỏ

Họ cho rằng tư thế ngồi, đứng và đi của trẻ sẽ ảnh hưởng đến phát triển xương và tăng chiều cao nếu không được uốn nắn từ nhỏ. Mặc quần áo và tất quá chật cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu, không có lợi cho sự phát triển.

5. Có kế hoạch chi tiết về dinh dưỡng và luyện tập

Để kích thích tấm tăng trưởng, cha mẹ nên lên kế hoạch dinh dưỡng một cách khoa học, giúp con em mình bổ sung nhiều loại vitamin và khoáng chất bổ ích, đặc biệt canxi, giúp cơ thể tăng khả năng hấp thu chất.

Các bài tập luyện thể lực, sức bền cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của thanh thiếu niên. Những đứa trẻ tham gia vào hoạt động thể dục thể thao thường có ưu thế rõ ràng về thể trạng và chiều cao so với những đứa trẻ khác.

Thay vì cố gắng thúc ép bằng những biện pháp không tự nhiên, những đứa trẻ sẽ thoải mái phát triển và trưởng thành với tâm sinh lý khỏe mạnh khi được cung cấp một môi trường tuyệt vời.