Vạn Điều Hay

Nhạc sĩ Lam Phương: 1 bài hát bán được 500 ngàn đô và công lao với nhiều ca sĩ hải ngoại

Chia sẻ

Đối với giới ca sĩ hải ngoại, Lam Phương giống như người cha, người thầy có công dìu dắt, tạo điều kiện cho họ phát triển sự nghiệp.

Ngày 23/12 vừa qua, nhạc sĩ Lam Phương đã trút hơi thở cuối cùng tại thành phố Fountain Valley, Mỹ, hưởng thọ ở tuổi 83.

Trước đó không lâu, ông phải nhập viện cấp cứu khi chứng bệnh tim và tai biến mạch máu não trở nặng. Sau một thời gian chữa trị, ông đã không qua khỏi. 

Sự ra đi của nhạc sĩ Lam Phương tuy không gây bất ngờ (vì bệnh tình của ông đã diễn biến phức tạp trong nhiều năm nay) nhưng vẫn để lại một sự tiếc thương vô hạn trong lòng người hâm mộ cũng như giới văn nghệ sĩ. Ông là một trong những cây đại thụ có đóng góp to lớn tới nền tân nhạc Việt Nam.

Một bài hát bán được 500 ngàn đô và cuộc đời thăng trầm của nhạc sĩ hàng đầu tân nhạc Việt Nam

Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937 tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Ông được xem là một trong những nhạc sĩ có cuộc đời thăng trầm, nhiều biến động nhất. 

Lam Phương sinh ra trong một hoàn cảnh khá khó khăn, khi là con cả ở một gia đình nghèo khổ, cha bỏ đi theo người phụ nữ khác từ lúc ông còn nhỏ. Lam Phương ngay từ bé đã phải làm lụng vất vả để đỡ đần mẹ nuôi các em. 

Vì vậy, ông sớm thấm thía được muôn cảnh cơ cực của cuộc sống quanh mình để tích lũy làm vốn sáng tác sau này. 

Tới năm 10 tuổi, Lam Phương được mẹ gửi lên Sài Gòn sống nhờ nhà một người bác ruột. Từ đây, năng khiếu và niềm đam mê âm nhạc trong ông bộc phát. Ông tự mày mò học nhạc và may mắn được nhạc sĩ Hoàng Lang cùng nhạc sĩ Lê Thương chỉ dẫn.

Nhạc sỹ Lam Phương thời trẻ

Chỉ sau vài năm học nhạc, Lam Phương đã lĩnh hội được rất nhiều kiến thức nhạc lý. Khả năng tiếp thu âm nhạc của ông được xem là đáng nể và hơn người. Bởi vậy, mới 15 tuổi, Lam Phương đã sáng tác được ca khúc đầu tiên là Chiều thu.

Thời gian đầu sáng tác, Lam Phương gặp khá nhiều khó khăn về tài chính, thường xuyên phải vay tiền bạn bè để làm nhạc rồi tự đem băng đĩa đi bán khắp Sài Gòn. Tuy vậy, ông vẫn đam mê, miệt mài sáng tác và cho ra đời nhiều ca khúc về quê hương, đất nước dưới âm hưởng trữ tình, lãng mạn, giai điệu trong sáng, vui tươi. 

Thời gian đó, bài hát nổi tiếng nhất của ông là Khúc ca ngày mùa, được hầu hết các trường học ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long chọn để dạy cho học trò ca múa. Nhà văn Duyên Anh nhận định: 

“Thuở ban đầu của âm nhạc là Lam Phương thuần hương vị miền Nam. Dân chúng đón tiếp anh như nhánh sông đón tiếp phù sa của Hậu Giang. Phù sa âm nhạc Lam Phương bảng lảng âm điệu hai trăm năm đất mới. 

Anh gần gũi người miền Nam vì anh cảm xúc niềm xúc cảm của người miền Nam. Âm nhạc Lam Phương ví như con thuyền chở đầy trăng nhẹ trôi trên mặt sông Tiền, sông Hậu. 

Nó buồn vui cái buồn vui của Kiều Nguyệt Nga, Lục Vân Tiên. Nó được hát bởi những giọng kể Lục Vân Tiên đơn sơ và đôn hậu.

Cả triệu người đã say mê nhạc Lam Phương. Nhạc Lam Phương lãng đãng trên đồng luá bát ngát, trên sông nước mênh mông. 

Nó từ ngõ hẻm thành phố về đường mòn thôn ổ. Nó trong trường học. Nó ngoài sa trường. Nó xanh mắt thanh niên. Nó hồng môi thiếu nữ. Luôn luôn bình dị. Mãi mãi Lục Vân Tiên”. 

Từ năm 1958, Lam Phương bắt đầu gia nhập các đoàn thể để phục vụ âm nhạc cho công chúng. Ông sáng tác rất nhiều ca khúc Bolero, trữ tình hay và trở nên nổi tiếng, đạt tới đỉnh cao sự nghiệp. 

Trong giai đoạn hoàng kim này, Lam Phương là một trong số ít nhạc sĩ có thể sống dư dả chỉ bằng nghề viết nhạc, khác hẳn những nhạc sĩ khác như Trịnh Công Sơn, Trúc Phương… 

Sở dĩ Lam Phương vượt trội hơn về thu nhập vì những ca khúc của ông viết ra rất ăn khách, bán được rất nhiều, lên đến hàng triệu bản. 

Điển hình nhất là với ca khúc Thành phố buồn, Lam Phương thu về được 12 triệu đồng tiền bán tờ nhạc, bằng với thu nhập trong 20 năm của một công chức cấp cao. Nếu quy đổi ra hiện tại, số tiền đó tương đương với 500 ngàn đô la. Đây là con số kỷ lục mà hiếm nhạc sĩ nào đạt được.

Thành phố buồn cùng trở thành một ca khúc bất hủ, được rất nhiều ca sĩ nổi tiếng thể hiện như Thanh Tuyền, Chế Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Hà Anh Tuấn… Đến tận bây giờ, nó vẫn là ca khúc được ưa chuộng trong các show nhạc trong và ngoài nước.

Ngoài Thành phố buồn, Lam Phương còn sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng nữa như Tình bơ vơ, Duyên kiếp, đem lại một nguồn thu lớn và đến giờ vẫn được hát lại ở khắp mọi chương trình. 

Ngoài sáng tác, Lam Phương còn tham gia đóng phim điện ảnh, việt nhạc nền cho đoàn kịch Kim Cương và đoàn kịch của minh tinh Thẩm Thúy Hằng. 

Trong thời gian này, Lam Phương kết hôn với người vợ đầu là ca sĩ kiêm diễn viên kịch Túy Hồng. 

Sau này, Lam Phương để hết tài sản lại để sang hải ngoại sinh sống. Trong thời gian đầu ở Mỹ, Lam Phương phải làm đủ thứ nghề, từ lau sàn nhà, dọn dẹp cho hãng Sears, đến những việc nặng nhọc như thợ mài, thợ tiện… để có tiền nuôi vợ con. Ông tâm sự: 

“Lúc mới qua, cọ bồn cầu hay đệm đàn… làm hết. Nói chung làn được gì giúp cho gia đình và mọi người đều làm tuốt, không ngại khó, không than phiền, kể khổ…”.

Sau khi cuộc sống nơi xứ người dần ổn định, Lam Phương bắt đầu hoạt động âm nhạc trở lại. Cứ cuối tuần ông đều cố gắng thu xếp thuê một quán ăn làm sân khấu ca nhạc kịch để bạn văn nghệ gặp nhau. 

Sau khi ly dị với Túy Hồng, Lam Phương rời Mỹ sang Paris. Tại đây, ông làm công cho một tiệm tạp hóa, quét dọn, đóng gói, khuân vác… 

Ông cũng nảy sinh tình yêu và kết hôn với một phụ nữ tên Hương. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, người vợ này cũng bỏ ông theo người khác. Có thể nói, đường tình của Lam Phương khá trắc trở, tạo thêm nhiều cảm xúc cho ông sáng tác. 

Năm 1995, Lam Phương trở về Mỹ và tiếp tục kết hôn với người vợ thứ ba. Những tưởng sẽ được an nhàn tuổi già, nhưng ông bất ngờ bị tai biến mạch máu não và liệt nửa người. 

Dù bệnh tật là vậy, nhưng Lam Phương thi thoảng vẫn sáng tác để thỏa đam mê của mình. Ông cũng may mắn được một người em gái bỏ cả cửa hàng ăn bên Pháp bay sang Mỹ để chăm sóc. 

Thậm chí, có một khán giả hâm mộ tại Úc mua cho ông một căn nhà và ngày nào cũng gọi điện để bắt ông phải nói chuyện. Bà còn đến tận nơi, vứt chiếc xe lăn ra xa để bắt ông tự đi. 

Những tình cảm đó dần giúp nhạc sĩ Lam Phương đã dần bình phục, dù không thể được như xưa. 

Công lao to lớn xây dựng nền âm nhạc hải ngoại, dìu dắt nhiều thế hệ ca sĩ 

Trong âm nhạc, Lam Phương được ví như một huyền thoại, có vị trí vô cùng to lớn đối với tân nhạc Việt Nam nói chung và nền âm nhạc hải ngoại nói riêng. 

Số lượng sáng tác của Lam Phương rất lớn, lên đến vài trăm ca khúc. Trong đó có rất nhiều ca khúc đã trở thành bất hủ, được vô số thế hệ ca sĩ thể hiện như Thành phố buồn, Biển tình, Chờ người, Phút cuối, Bài Tango cho em, Kiếp nghèo, Một mình… 

Rất nhiều ca khúc của Lam Phương đã làm nên tên tuổi cho nhiều ca sĩ nổi tiếng như Chế Linh, Thanh Tuyền, Trường Vũ, Như Quỳnh, Phi Nhung…

Xét riêng trong dòng nhạc Bolero, Lam Phương cũng được xem như một cây đại thụ, với lối sáng tác lãng mạn, mùi mẫn, dễ thưởng thức nhưng cũng đầy học thuật. 

Lam Phương cũng được xem là một trong số ít nhạc sĩ có sức sáng tác bền bỉ suốt hơn 50 năm sự nghiệp. Chính ông đã cùng Anh Bằng, Trầm Tử Thiêng góp phần dựng xây nên nền âm nhạc hải ngoại trong giai đoạn đầu tiên (thập niên 80, 90) bằng rất nhiều sáng tác nổi tiếng. 

Đặc biệt, Lam Phương còn có nhiều đóng góp về phần âm nhạc cho loạt chương trình nổi tiếng Thúy Nga Paris By Night. 

Trong đó, các sáng tác chủ yếu đi theo lối trữ tình, lãng mạn, sử dụng điệu Tango, Slow Rock, Bolero…, định hình phong cách biểu diễn và thưởng thức âm nhạc tại hải ngoại. 

Dù bản thân Lam Phương từng thừa nhận các ca khúc trước 1975 ông viết theo đơn đặt hàng từ các hãng băng đĩa, còn sau 1975 lại đi theo cảm xúc cá nhân nhưng vẫn rất thu hút khán giả, chiều lòng thị trường.

Trong đó có nhiều bài hát nổi tiếng như Bãi Nắng, Như Giấc Chiêm Bao, Mưa Lệ, Bài Tango Cho Em, Thiên Đàng Ái Ân, Say, Lầm, Tình Đẹp Như Mơ, Một Mình, Tình Vẫn Chưa Yên… 

Đối với giới ca sĩ hải ngoại, Lam Phương giống như người cha, người thầy có công dìu dắt, tạo điều kiện cho họ phát triển sự nghiệp. 

Ca sĩ Thanh Hà tâm sự: “Tôi xem chú là một trong những người quan trọng nhất trong con đường ca hát của mình. Ngày đầu vào nghề, tôi được cùng chú thực hiện album Tình đẹp như mơ, gồm 10 tình nhạc phẩm Lam Phương. 

Chú gò từng cách luyến láy của tôi, giúp tôi nhập tâm để hiểu tinh thần tác phẩm. Chú giới thiệu chị đến các trung tâm âm nhạc hải ngoại, từng bước đưa tôi vào nghề.

Những năm cuối đời, chú phải ngồi xe lăn, tôi thường mua đồ ăn sang nhà mời chú. Sức khỏe yếu, chú bầu bạn với chiếc tivi, lấy âm nhạc làm nguồn sống. Chú hhiền hơn cả chữ hiền. Tôi chưa từng thấy một nghệ sĩ nào mộc mạc hơn thế”.

Danh ca Phương Dung cũng nói: “Các thế hệ người yêu nhạc không ai không biết đến nhạc phẩm của anh. Anh là người hiền lành, sống lành mạnh, không kiêu ngạo, được rất nhiều người yêu mến“. 

Ca sĩ Như Quỳnh chia sẻ: “Chú Lam Phương là một người nhạc sĩ mà Như Quỳnh rất kính trọng và thương mến. 

Chú đã sáng tác ra những bản nhạc Bolero, nhạc tình bất hủ được khán giả mộ điệu khắp nơi yêu quý và Như Quỳnh rất may mắn khi được trình diễn nhiều bản nhạc của chú”.