Theo ông Đinh La Thăng, không phải cứ bộ trưởng là hoàn toàn chịu trách nhiệm về tất cả văn bản, đề nghị tòa “hãy đối xử với tôi như những bộ trưởng khác”.
Bị đại diện VKSND TP HCM luận tội và đề nghị mức án 10-11 năm tù về hành vi Vi phạm quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, cựu bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng tự bào chữa trong hơn 25 phút, sau khi được các luật sư bảo vệ, trưa 18/12.
Giọng rành rọt, ông Thăng đề nghị HĐXX bác bỏ toàn bộ nội dung bản cáo trạng bởi cho rằng “đó là những cáo buộc trên trời, hoàn toàn không có căn cứ và hết sức vô cảm”. “Hằng ngày tôi phải chịu tù đày, tra tay vào còng, phơi mặt trên báo. Vì vậy, theo quyền và luật, HĐXX hãy cho tôi được nói và được nói sự thật”, bị cáo nghẹn giọng.
Giữ quan điểm như lúc trả lời thẩm vấn, ông Thăng nhấn mạnh về việc bộ trưởng chỉ chịu trách nhiệm của người đứng đầu về mặt hành chính – chính trị, không phải chịu trách nhiệm hình sự trong vụ án này, bởi đã phân công công việc cho các thứ trưởng. Có nhiều văn bản gửi đến cho bộ trưởng là gửi theo thói quen chứ không phải văn bản nào gửi đến là bộ trưởng cũng phải xem.
“Cáo trạng nêu tôi biết hết toàn bộ dự án, biết mà làm sai. Trong khi đó toàn bộ dự án này tôi chỉ ký một văn bản gửi Thủ tướng, hai năm sau tôi mới ký quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá, do anh Trường (thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường) không tự ký bổ nhiệm được nên tôi phải ký; và một bút phê. Vậy tại sao tôi phải chịu trách nhiệm toàn bộ vụ án?”, ông Thăng đặt vấn đề.
Bị cáo cho rằng, nếu tất cả văn bản bộ trưởng đều phải chịu trách nhiệm “thì các bộ trưởng ở đất nước này đều như bị cáo”. Ông Thăng lấy ví dụ về 10 năm trước có trường hợp tương tự, người đứng đầu ký văn bản và cấp phó bị xử lý hình sự. “Cho nên tôi đề nghị HĐXX hãy đối xử công bằng với tôi như một người bình thường và như các bộ trưởng khác”, ông Thăng nói.
Đề cập bút phê gửi cho thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể (hiện là Bộ trưởng) trong quá trình Công ty Yên Khánh (của Đinh Ngọc Hệ, tức Út “Trọc”, nguyên phó giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) chậm thanh toán tiền có nội dung “đề nghị anh Thể chỉ đạo giải quyết theo đúng hợp đồng hai bên đã ký và đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước…”, ông Thăng nói: “Tôi không hiểu mình sai chỗ nào? Đề nghị VKS chứng minh tôi đã sai”.
Liên quan đến cáo buộc gọi điện cho Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Công ty Cửu Long, quản lý cao tốc, thuộc Bộ GTVT) để can thiệp cho Công ty Yên Khánh tham gia mua quyền thu phí. Ông Đinh La Thăng khẳng định: “Tôi không gọi, ông Minh không có vai trò nhiệm vụ gì trong đó. Hơn nữa, việc này thuộc thẩm quyền của Bộ nên không có lý gì mà tôi phải gọi cho Minh. Hơn nữa, tháng 8/2012 Công ty Cửu Long mới được giao lập dự án, không lý do gì tháng 2 tôi gọi cho Minh để nói về dự án này”.
Về trách nhiệm trong vụ án này, ông Thăng cho biết Bộ GTVT không có quyền can thiệp vào hợp đồng thương mại của các doanh nghiệp. “Tại sao tôi là bộ trưởng lại phải can thiệp, trong khi hợp đồng không gửi cho tôi. Tôi làm gì biết nội dung mà chỉ đạo dừng hay không dừng”, ông Thăng nói.
Ngoài ra, cựu bộ trưởng khẳng định dự án bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương là bán đấu giá, không phải đấu thầu nên “không thể đưa luật chọi trâu áp dụng cho luật chọi gà, không thể đưa luật đấu giá vào luật đấu thầu”. Giám định viên Bộ Tài chính đã xác định giá 2.004 tỷ đồng là phù hợp, đúng quy định của pháp luật. Số tiền này Bộ GTVT đã thu đủ, đã nộp vào ngân sách.
“Là bị hại trong vụ án, Bộ GTVT nói không mất mát gì nên tôi không thể chịu trách nhiệm về số tiền người khác phạm tội”, ông Thăng nêu quan điểm. “Tất cả những bị cáo trong vụ án này, từ đầu phiên toà đến giờ đều khẳng định không chịu tác động của tôi hay ai cả và làm đúng pháp luật. Vậy nên một lần nữa tôi mong HĐXX hãy đối xử với tôi thật công bằng”.
Kết thúc phần tự bào chữa, cựu bộ trưởng GTVT mong muốn tòa đưa ra bản án công tâm, có trách nhiệm, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
Trước đó, bảo vệ ông Thăng, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng cáo trạng quy kết thân chủ “biết rõ toàn bộ quy trình, hoạt động mua bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương” là không có cơ sở. Ông đưa ra các văn bản thể hiện chức năng, nhiệm vụ của bộ trưởng để làm rõ việc ông Thăng chỉ chịu trách nhiệm về mặt hành chính – chính trị chứ không có cơ sở buộc tội về mặt hình sự. “Ông Thăng đang là bị cáo trong nhiều vụ án, đang thụ án 30 năm. Tôi kính mong HĐXX đưa ra bản án nhân văn, công lý, phán quyết ông Thăng không phải chịu trách nhiệm hình sự nữa”, luật sư nói.
Theo cáo trạng, tháng 2/2012, ông Hệ nhờ ông Thăng tác động Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Công ty Cửu Long) cho Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An của Đinh Ngọc Hệ (đang kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính) mua được quyền thu phí. Ông Thăng bị cho là đã “phớt lờ” các quy định về quản lý tài sản nhà nước và chuyển giao quyền thu phí để giúp Hệ.
Do các công ty của Hệ không có khả năng tài chính, kinh doanh thua lỗ, nên Hệ chỉ đạo cấp dưới làm báo cáo tài chính khống thành có lãi để làm hồ sơ đấu giá, trúng thầu. Quá trình thu phí, Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo mua phần mềm khác thay thế phần mềm thu phí của Bộ GTVT để che giấu doanh thu, chiếm đoạt 725 tỷ đồng.
Dương Trang