Kinh dạy: “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Bồ tát có trí tuệ thấy rõ quả vốn từ nhân mà sanh, nên cẩn thận từ cái nhân, không muốn có cái quả đó thì trước phải tránh cái nhân đó.
Trái lại, chúng sanh vì thiếu trí tuệ, cái nhân ác cứ tạo rồi khi quả đến thì than van oán trách, chạy trốn hoặc tự tử…Song trốn làm sao khỏi, khi quả đã chín tới? Mình chửi người, mà muốn người đừng chửi lại, đừng oán hờn mình sao được? Nếu mình có quyền thế, họ không dám chửi lại ngay lúc đó, nhưng họ cũng hận trong lòng, gặp dịp mình thất thế họ sẽ trả lại cho mình.
Phật dạy người Phật tử phải biết giữ gìn năm giới cấm, chính là ngừa cái nhân dữ, giúp người sống được an vui đúng pháp. Kinh Pháp Cú có câu:
Người ngu làm điều ác
Không tự biết lỗi lầm
Khi tội thành, họa đến
Tự thiêu đốt thân tâm.
Người học Phật chân chính phải nắm vững lẽ thật này để sống khế hợp với Phật pháp.
Hơn nữa người hiểu đạo, biết rõ quả vốn từ nhân mà có, nên dù gặp quả khổ đến vẫn cứ bình tĩnh trả, không oán trách than thở. Tổ Bồ Đề Đạt Ma dạy về Hạnh Báo Oán như sau:
”Người tu hành khi gặp phải cảnh khổ, phải tự nghĩ nhớ rằng: Ta từ trong vô số kiếp lâu xa, đã bỏ quên gốc chạy theo ngọn, đành bị trôi nổi lang thang trong các cõi. Ở trong đó phần nhiều dấy tạo không biết bao nhiêu điều trái nghịch, oán ghét, hận thù. Nay đây, tuy không có phạm phải, nhưng đó là họa ương đời trước của mình, cái quả của nghiệp dữ đã chín muồi, chớ chẳng phải trời, chẳng phải người hay ai đem đến cho mình, sẵn lòng mà nhận chịu thôi, đều không sanh tâm oán trách. Kinh nói: “Gặp khổ chẳng lo buồn. Tại sao ? Vì biết thấu suốt duyên cớ”.
Tức là người biết tu, khi gặp cảnh khổ đến, tự xét rõ, đây là do nhân quá khứ của mình đã tạo, không phải ngẫu nhiên ai đem đến cho mình. Dù đời này mình không có tạo nhiều nghiệp ác, song trong quá khứ lâu xa của dòng luân hồi, mình đã tạo biết bao thứ nghiệp đâu thể nhớ biết, nay quả đã chín tới thì phải chịu, như có nợ trả xong thì nhẹ nhàng. Còn nhân lành hiện nay mình đã làm, nó sẽ kết thành quả về sau không mất đi đâu. Do quán xét như thế nên bình tĩnh trước cảnh khổ, yên tâm tu hành. Trái lại, người đời không rõ lẽ nhân quả sâu xa ấy khi gặp cảnh khổ tới thì oán trời trách đất, tưởng như trời đất bất công, sao cứ đem cảnh khổ đến cho mình. Không ngờ đó là quả mình đã tạo từ trước, oán hận, nguyền rủa, càng tạo thêm nhân mới, khổ chồng thêm khổ, không thể hết.
Thuở xưa có anh chàng mồ côi cha, sống nuôi mẹ rất hiếu thảo. Đến tuổi trưởng thành nhưng chàng không chịu lấy vợ. Thấy con làm việc nhọc nhằn, bà mẹ khuyên chàng nên lấy vợ để giúp bớt việc nhà. Lần đầu chàng từ chối, nhưng bà bẹ nói nhiều lần, chàng đành chịu, và bà tìm cưới cho chàng một cô gái trong xóm. Không may cô dâu này không sinh đẻ, bà mẹ thì nóng lòng muốn có cháu, nên bà lại bàn với con trai cưới thêm vợ lẽ. Chàng trai nhất định không chịu. Bà mẹ cứ khuyên nhiều lần khiến cô vợ nghe được. Cô nghĩ, nếu để bà đi cưới vợ lẽ cho chồng thì cô sẽ bị xem thường, chi bằng tự cô đi cưới vợ lẽ cho chồng. Cô tìm được một cô gái trẻ trong xóm cưới về cho chồng. Nhưng rồi cô cũng không an tâm. Cô dặn người vợ lẽ này khi nào có thai thì cho cô hay để cô mừng. Cô vợ sau thật thà, khi biết mình có thai bèn báo cho cô vợ cả. Cô này bèn tìm cách bỏ thuốc phá thai, kết quả cô vợ sau bị sẩy thai. Lần thứ hai cũng thế. Các chị em hàng xóm thấy vậy tò mò hỏi thăm và biết là do cô vợ cả hại, bèn bảo cô này không nên thật thà báo cho cô ấy biết nữa.
Lần thứ ba có thai, cô này im lặng không cho cô vợ cả biết. Nhưng cô ấy thấy bụng cô vợ sau to dần thì hỏi đến. Biết được rồi, cô không chịu thua, cũng tìm lúc cô vợ sau sơ hở, bèn bỏ thuốc phá thai như trước. Nhưng cái thai đã lớn thành hình nên khiến cho cả mẹ lẫn con đều chết. Trước khi nhắm mắt, cô vợ sau uất hận thề phải trả thù trong kiếp sau. Sau khi chết cô ta sanh làm con mèo trong nhà ấy. Ông chồng biết sự việc, bèn đánh đập người vợ cả, khiến người này cũng bệnh chết và tái sanh làm con gà mái ở trong nhà. Mỗi khi con gà mái đẻ trứng thì con mèo đều đến ăn sạch. Lần thứ ba thì nó bắt ăn luôn gà mái mẹ.
Gà mái chết sanh làm con beo cái. Con mèo sau đó không lâu cũng chết sanh làm con nai cái. Mỗi khi nai cái sanh con đều bị beo đến bắt ăn luôn nai cái.
Nai cái chết lại sanh làm quỷ Dạ xoa cái và bao cái chết thì sanh làm một con gái trong một gia đình tôn quý ở Xá Vệ. Khi lớn lên cô gái lập gia đình. Một thời gian sau, cô sanh đứa con đầu lòng, quỷ Dạ xoa bèn biến thành người bạn thân của cô đến thăm. Người nhà không biết, bèn chỉ cho Dạ xoa vào phòng con gái. Dạ xoa đi vào phòng và nhanh tay chộp lấy đứa bé nhai nuốt gọn. Lần thứ hai cũng thế. Đến lần thứ ba cô vợ bàn với chồng, ở đây có quỷ Dạ xoa đã ăn thịt hai đứa con trước, lần này định phải trở về nhà cha mẹ để sinh nở.
Nói về quỷ Dạ xoa, lúc ấy tới phiên phải đi lấy nước cho vị chúa tể cai quản mình, mấy tháng sau mới hết hạn trở về. Quỷ Dạ xoa vội vàng tìm đến gặp người vợ trẻ này. Đến nơi thì được biết cô này đã đi về nhà cha mẹ, nó liền chạy vào thành tìm.
Lúc này đã đến ngày đặt tên, bà mẹ tắm rửa và đặt tên cho đứa con xong, bàn với chồng trở về nhà.
Trên đường về, đi ngang qua Tinh xá, đến hồ nước của Tinh xá, cô giao con cho chồng và xuống hồ tắm. Tắm xong, cô lên ẵm con cho chồng tắm. Ngay lúc ấy, Dạ xoa chạy tới, cô vợ hoảng hốt, vội ẵm con chạy thẳng vào Tinh xá. Gặp lúc Thế Tôn đang thuyết pháp giữa chúng hội, cô đặt đứa bé dưới chân Thế Tôn và thưa: “Con xin cúng dường Ngài đứa bé này, xin Ngài cứu lấy nó!”.
Quỷ rượt tới cổng Tịnh xá bị thần giữ cổng ngưng lại. Thế Tôn biết, bèn bảo Tôn giả A-nan gọi vào. Thế Tôn dạy: “Sao ngươi làm như vậy? Nếu không gặp một vị Phật như ta, ngươi sẽ ôm ấp mối hận này đến ngàn đời không khác gì con rắn và con cáo hay quạ và cú. Sao ngươi lấy oán trả oán? Chỉ có tình thương mới dập tắt được hận thù. Thế Tôn liền nói kệ:
Đời này hận rửa hận,
Muôn thuở chẳng sạch thù.
Từ bi rửa sạch hận,
Là định luật ngàn thu.
Dứt bài kệ Dạ xoa đắt quả Tu-đà-hoàn, và giải tỏa được mối oan trái hận thù từ nhiều kiếp.
Quả thực nếu không hiểu Phật pháp, rõ thấu lý nhân quả, cứ đem hận thù kết chặt với hận thù, tạo thành cái khổ truyền kiếp, cần cởi mở thì nhẹ nhàng và an vui cả hai. Oán hận nên cởi không nên cột, là điều cần phải nhớ!
Chuyện thứ hai là Ngài Giới Hiền ở chùa Na-lan-đà sống một trăm hai mươi tuổi, gặp pháp sư Huyền Trang từ Trung Hoa qua. Ngài hỏi thăm lai lịch xong, bèn xúc động mời ngồi và bảo để tử là Giác Hiền lúc đó cũng trên bảy mươi tuổi, thuật lại nhân duyên của Ngài cho chúng cùng nghe.
Ngài Giác Hiền cũng cảm động rơi nước mắt thuật lại rằng: “Hòa thượng vốn có bệnh phong thấp nặng, thường bị đau nhức như trăm ngàn mũi dao đâm vào. Ngài chịu đựng mấy mươi năm. Cách đây ba năm, chịu hết nổi, Ngài định nhịn ăn cho chết. Đêm đó, Hòa thượng bổng mơ màng thấy ba vị Bồ tát Quan Âm, Di Lặc và Văn Thù hiện đến bảo Ngài: “Phật dạy chán thân này nhưng không bảo hủy hoại thân. Ông do đời trước làm vị quốc vương đem binh đánh giết nhiều người, nay do công phu tu hành, tội kia đáng lý bị đọa nhưng chuyển lại thành bệnh hiện đời. Ông hãy nhẫn chịu, đợi ba năm sau có vị tăng từ Đông độ đến học pháp, ông chỉ dạy pháp Đại thừa cho vị ấy để truyền bá rộng thêm, bệnh ông cũng sẽ hết”. Nay Hòa thượng gặp Ngài Huyền Trang đây là đúng duyên đó, nên Hòa thượng xúc động”. Quả nhiên, từ đó bệnh của Ngài Giới Hiền cũng hết.
Ban đầu, Ngài Giới Hiền chưa biết rõ nguyên nhân bệnh khổ nên buồn chán, định nhịn đói cho chết. Khi được biết rõ nhân quả xưa nay rồi, Ngài có thêm sức mạnh nhẫn chịu và làm lợi ích cho Phật pháp nhiều hơn. Hiểu rõ nhân quả càng giúp ích cho cuộc sống, đó là một lẽ thật.
Trích “Ứng dụng lý nhân quả vào cuộc sống”
Hòa thượng Thích Thông Phương