Vạn Điều Hay

Trước khi đạt được mục tiêu, đừng quan tâm đến lòng tự trọng của mình: “Vô cảm” tạo nên cú hích khác biệt!

Chia sẻ

“Trên đời có chín người nhưng tới mười ý”, có người khen bạn và cũng có người chê bạn. Bạn không cần quá quan tâm đến những lời chê bai, thị phi, chỉ cần bạn vô cảm và làm tốt việc của mình, còn lại là vấn đề của thời gian.

Vô cảm không phải là không quan tâm đến cảm xúc của người khác. “Vô cảm” là bình tĩnh đối mặt với những thất bại và đau đớn trong cuộc sống và không nhạy cảm quá mức. Có câu nói: “phải biết vô cảm một chút với những gì trước mắt, đừng chỉ đi theo tiếng gọi của con tim!”

1. Đôi lúc phải vô cảm mới tốt cho sức khỏe

Watanabe Junichi có một câu nói trong quyển sách “The power of insensitivity” tạm dịch là “Sức mạnh của sự vô cảm” dành được sự đồng tình của nhiều độc giả: “Đối với sức khỏe, điều quan trọng nhất là để máu của bạn lưu thông thuận lợi”.

Vậy cách tốt nhất để không cản trở máu lưu thông là gì? Câu trả lời là: hãy giữ một thái độ vui vẻ và thoải mái. Nói một cách đơn giản: đừng để bản thân buồn phiền vì những chuyện không vui, dù nghe chuyện không hay cũng nên quên ngay đi.

Một người bạn của tôi sở hữu khả năng nhắm mắt làm ngơ trước những bình luận tiêu cực của người khác. Cô ấy thường viết bài trên tài khoản Facebook và mọi người nói rằng cô ấy chọn những chủ đề cũ, lỗi thời và ngôn ngữ nhàm chán. Khi cô ấy đi du lịch, những người xung quanh cảm thấy rằng cô ấy đang lười biếng, thích nghỉ làm để đi chơi là hoang phí thời gian và lãng phí tiền bạc.

Tôi muốn giúp cô ấy thanh minh nhưng cô ấy nói một cách bình tĩnh: “Tôi có một kế hoạch cho cuộc đời mình rồi. Tôi sẽ đi theo con đường tôi chọn mà không cần phải nhượng bộ người khác.”

Có một loại tự do gọi là lòng không loạn, không mắc bẫy hay dao động trước những lời người khác nói.

Nghiên cứu y học đã phát hiện ra rằng: tâm trạng bồn chồn, bồn chồn, không yên, tức giận, thù hận… đều có thể gây ra bệnh về thần kinh, khí huyết lưu thông không ổn định.

Nếu không có máu lưu thông, cơ thể sẽ bị ốm theo thời gian. Khi người ta cứ nhắm mắt làm ngơ, cười nhiều hơn và không nóng giận thì tự nhiên sẽ bớt bệnh tật.

2. Thắng không kiêu, bại không nản là sự thúc đẩy thành công trong sự nghiệp

Trong xã hội ngày nay, sự cạnh tranh gay gắt, ai cũng lo lắng liệu một người có một bộ não như bách khoa toàn thư và nỗ lực đáng kể thì người đó có thể thành công? Câu trả lời là chưa chắc. Bởi thành công của con người không hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng mà còn phụ thuộc vào việc bạn có kiên trì và bền bỉ nỗ lực hay không. Tác giả đã đưa ra một ví dụ trong cuốn sách “Sức mạnh của sự vô cảm”:

O là nhà văn từng được coi là “tuổi trẻ tài cao” thời đó. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, O bặt vô âm tín vì ít tác phẩm dự thi và từ đó, O mất dần khát vọng, tinh thần để sáng tác ra những tác phẩm mới. Theo thời gian, biên tập viên không thèm hỏi anh ta về chuyện văn vở vì hỏi anh đều viện cớ chưa xong. O không thể viết được tác phẩm nào và dần mất cơ hội xuất bản tác phẩm của mình. Kể từ đó, đời anh bước vào vòng luẩn quẩn khó mà thoát ra.

Tại sao O có tài mà không thành công? Bởi vì anh ta không có vô cảm. O là người ngây thơ, nhạy cảm và dễ bị tổn thương, nếu mọi việc suôn sẻ thì không vấn đề gì  nhưng một khi gặp trở ngại thì cậu ta rất có thể sẽ chán nản, khó vực dậy và buông xuôi theo dòng đời.

Sự “vô cảm” ở nơi làm việc là một sự thúc đẩy cho thành công. Lòng tự trọng của con người có lúc bị hạ thấp, nhưng họ sẽ không sợ bị chế giễu, chất vấn và không dễ bị tổn thương và chán nản.

Trong bộ phim truyền hình ăn khách “Binh lính đột kích” năm 2007, Vương Bảo Cường đã đóng vai Hứa Tam Đa. Khi mới nhập ngũ, thấy xe tăng là anh sợ hãi đến mức giơ tay đầu hàng. Chân anh sẽ run lên ngay lập tức và anh sẽ không phân biệt được trái phải khi xoay người. Có lần diễn tập, vì giấu trứng chín trên người, anh luôn bị “đối phương” truy tìm nhờ nhiệt độ cao bất thường, để rồi toàn bộ quân đoàn bị quét sạch.

Tuy lém lỉnh nhưng chậm chạp nên đồng đội gọi đùa anh là Hứa Mộc Mộc, Hứa Tam Bảo. Anh ấy hiền như thế đấy, người khác chế nhạo mình nhưng anh lại như thể không nhìn thấy người khác cười cợt và khinh thường mình. Anh ta đã kiên trì tập luyện để đập tan những lời cười cợt kia. Anh đã bất chấp cái nắng như thiêu như đốt và chịu đựng đau khổ để luyện tập trong một thời gian dài. Trong phần đánh giá toàn đoàn, 333 cái hít xà đơn tập bụng tiêu chuẩn cao đã giúp anh trở nên nổi bật trở thành người xuất sắc nhất trong đội.

Điều này cho thấy khi chúng ta có “sức mạnh vô cảm” ở nơi làm việc, chúng ta có thể giảm tác động của cảm xúc tiêu cực, chịu được cực khổ, từ đó vượt qua trở ngại để phát huy hết khả năng và đạt được thành công.

3. Đôi khi, hãy vô cảm trong hôn nhân: Không xét nét và tính toán chi li là vũ khí để có được một cuộc hôn nhân viên mãn 

Tình yêu là sự lãng mạn, là những câu ngôn tình ngọt như mía lùi nhưng hôn nhân là sự sẻ chia cùng nhau những buồn vui, cùng nhau gánh vác trách nhiệm và giải bài toán “cơm, áo, gạo, tiền”.

Khi mọi người bước vào lễ đường, họ chính thức bước vào đời sống vợ chồng. Từ đó, những gì họ thấy chỉ là khuyết điểm của nhau. Lúc này, sự kiên nhẫn và chung sức lâu dài của hai bên cũng như sự bao dung lẫn nhau là rất quan trọng.

Trong tác phẩm “Ba người chúng tôi”, Dương Giáng nói rằng tranh cãi duy nhất giữa cô và Tiền Chung Thư trong cuộc sống của họ là sửa cách phát âm tiếng Pháp.

Lúc đó là trên một con tàu du lịch ra nước ngoài. Dương Giáng cảm thấy Tiền Chung Thư phát âm sai, nghe có vẻ khó chịu. Tiền Chung Thư không hài lòng, hai người cãi vã và nói những lời công kích lẫn nhau. Muốn có câu trả lời chính xác, Dương Giáng đã nhờ một người Pháp trên tàu phân giải, người này đã đánh giá Dương Giáng đúng và cho rằng cách phát âm của Tiền Chung Thư là sai.

Dương Giang thắng nhưng cô thở dài: “Dù thắng nhưng tôi thấy chán và tủi thân lắm”. Đúng vậy, đó là một trong những điều cấm kỵ trong hôn nhân là luôn tranh giành cao thấp, tranh cãi thắng thua, tính toán chi li trong mọi việc. Bạn biết đấy, thắng thua trong hôn nhân để được gì, người thắng liệu có vui không, còn người thua có tâm phục khẩu phục không. Điều đau đớn nhất là trái tim tổn thương, tình cảm nhạt dần, như vậy có đáng không.

4. “Sức mạnh vô cảm” là hạnh phúc của cuộc đời

Cái gọi là “sức mạnh vô cảm” dùng để chỉ khả năng vô cảm. Nó nhấn mạnh đến khả năng chịu đựng trước những tình huống khó khăn, khả năng đối mặt với thế giới bên ngoài với thái độ táo bạo, tích cực đối với cuộc sống và sự khôn ngoan để tồn tại trong xã hội hiện đại, bỏ quua cảm xúc cá nhân. Chỉ khi bản lĩnh không bị lung lay trước những điều nhỏ nhặt, chúng ta mới có thể trở thành người chiến thắng thực sự.

“Trên đời có chín người nhưng tới mười ý”. Có người khen bạn thì cũng có người chê bạn. Bạn không cần quá quan tâm đến những lời chê bai, thị phi, chỉ cần bạn làm tốt việc của mình, còn lại là vấn đề của thời gian.

Vâng, tất cả chúng ta đều cầu mong thành công trong mọi việc, nhưng có rất ít người đạt được điều mình muốn. Bill Gates đã nói: “Trước khi thành công, xin đừng quan tâm đến lòng tự trọng của mình”. Friedrich Nietzsche cũng từng nói: “Không cần thiết phải nhạy cảm. Ngu ngốc đôi khi là một điều tốt”. Vì vậy, hãy đi con đường của riêng bạn còn người khác nói gì thì kệ họ. Về những nhận xét tiêu cực, tôi hi vọng chúng ta có thể thờ ơ và quên ngay đi. Khi tình hình khó khăn, hi vọng chúng ta sẽ không nản lòng mà bỏ cuộc. Khi hi vọng mất đi, xin bạn đừng hạ thấp bản thân hoặc rút lui.

Khi thất vọng, xin bạn bớt đau buồn. Bất kể công việc, cuộc sống, tình cảm, … chỉ cần chúng ta đừng quá quan tâm đến những lời nói tiêu cực của người khác rồi tự làm khổ mình, yêu thương những người xung quanh, trân trọng các mối quan hệ và vững lòng tin vào bản thân đề làm việc không mệt mỏi, gieo mầm cho tương lai và tạo dựng một cuộc sống tươi đẹp.

Tịnh Kỳ