Nước Mỹ dường như có được sự đồng thuận để vực dậy một sức mạnh kinh tế đang trên đà đi xuống. Thị trường chứng khoán số 1 thế giới lập đỉnh lịch sử trước thời điểm chuyển giao quyền lực.
Dồn dập lập kỷ lục
Thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch 17/12 (kết thúc rạng sáng 18/12 giờ Việt Nam) tăng mạnh và đồng loạt lập các kỷ lục mới. Chỉ số tầm rộng S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đều chạm mức cao kỷ lục, trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,5% đóng cửa ở mức cao lịch sử.
Thị trường vốn có quy mô lớn nhất thế giới chuyển mình theo hướng tích cực sau khi các nhà lãnh đạo lập pháp của Mỹ đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá 900 tỷ USD bao gồm các khoản thanh toán trực tiếp cho cá nhân.
Với sự thỏa hiệp từ hai phía, tạm gác sang một bên những điểm còn bất đồng trước đó, theo CNBC, giới đầu tư đánh cược vào khả năng gói kích thích kinh tế mới sẽ được thông qua trước khi kết thúc năm 2020.
Cũng theo CNBC, biện pháp được hướng tới sẽ không bao gồm lá chắn pháp lý cho các doanh nghiệp cũng như viện trợ cho các bang và chính quyền địa phương. Những bất đồng về các vấn đề trên đang là trở ngại trong vòng đàm phán mới nhất.
Theo ông Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ, một thỏa thuận viện trợ kinh tế đã gần hoàn tất.
Chứng khoán Mỹ bùng nổ trở lại còn do các nhà đầu tư kỳ vọng vào cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã ủng hộ việc sử dụng vaccine của Moderna. Đây là cơ sở quan trọng để Moderna trở thành công ty thứ hai được FDA cấp phép vaccine ngừa Covid lưu hành tại Mỹ, sau Pfizer/BioNTech.
Những diễn biến mới góp phần áp đảo thông tin tiêu cực, như tình trạng lây nhiễm Covid-19 tăng với tốc độ kỷ lục, cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 người; khả năng áp đặt lại các biện pháp giãn cách xã hội chặt chẽ hơn hay dữ liệu kém tươi sáng về thị trường lao động.
Theo Bộ Lao động Mỹ, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng cao trở lại, lên đến 885.000 người trong tuần trước. Số đơn theo tuần đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9 tới nay. Trước đại dịch, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp thường vào khoảng 225.000 người.
Kinh tế lung lay, ông Biden có thể gặp khó
Nước Mỹ đang rơi vào thời kỳ khó khăn hiếm có trong lịch sử với những bất ổn nội bộ, từ đó dẫn tới những tác động tiêu cực lên các lĩnh vực khác. Nền kinh tế số 1 thế giới chịu nhiều tổn thất và bị nhấn chìm sâu bởi đại dịch Covid-19.
Đồng USD Mỹ trong những ngày gần đây tiếp tục lao dốc và xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm rưỡi qua, trong khi đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc vẫn trên đà tăng giá. Quyền lực “mềm” của nước Mỹ đang bị thách thức hơn bao giờ hết.
Cú tăng giá bùng nổ lên đỉnh cao kỷ lục của đồng tiền số Bitcoin cũng là một dấu hiệu cho thấy sự đi xuống của quyền lực kinh tế Mỹ.
Trong phiên giao dịch đêm qua, đồng Bitcoin tăng kỷ lục và lên mức cao lịch sử gần ngưỡng 24.000 USD đổi 1 Bitcoin. Đồng tiền số này tăng vọt chỉ một ngày sau khi vượt ngưỡng 20.000 USD đổi 1 Bitcoin.
Từ đầu năm tới nay, đồng tiền số Bitcoin đã tăng hơn 220% nhờ tiềm năng trở thành phương tiện thanh toán phổ biến và khả năng ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát như nhiều đồng tiền truyền thống, trong đó có USD.
Trong khi kinh tế Mỹ vẫn gặp nhiều khó khăn thì Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ.
Gần đây, chính quyền Bắc Kinh đã tính tới một chiến lược phát triển kinh tế mới cho dài hạn. Cụ thể, Trung Quốc mong muốn thiết lập mô hình phát triển “tuần hoàn kép” (dual-circulation), lấy “tuần hoàn trong nước” làm chính, mà thực chất là điều chỉnh cơ cấu kinh tế từ chỗ dựa vào nhu cầu bên ngoài sang dựa nhiều hơn vào thị trường trong nước, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước để phát triển kinh tế, đề phòng các yếu tố rủi ro từ bên ngoài.
Trong năm 2020, quan hệ Mỹ-Trung xuống mức thấp nhất sau 3 năm liên tiếp leo thang căng thẳng dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Đại dịch Covid càng khiến quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế trở nên tồi tệ. Mỹ và Trung Quốc bất đồng với nhau trên nhiều phương diện, từ thương mại, công nghệ, tiền tệ,… cho tới nhiều vấn đề khác.
Gần đây, ông Donald Trump liên tục giáng những đòn mới lên Trung Quốc, như liên tục cấm cửa các doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc, trong đó có nhà sản xuất dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc CNOOC.
Những đòn tấn công diễn ra ở vào thời điểm mà mọi thứ sắp ngã ngũ, khi ông Trump phải chuyển giao Nhà Trắng cho ông Joe Biden. Quan hệ Mỹ-Trung có thể sẽ biến động mạnh, theo những đường hướng khác nhau.
Hiện tại, nước Mỹ vẫn chứng tỏ được sức mạnh ở mảng công nghệ và thị trường chứng khoán Mỹ vẫn có quy mô và sức hấp dẫn nhất thế giới. Tuy nhiên, đà tăng của chứng khoán Mỹ được đánh giá chủ yếu nhờ sự dư thừa của dòng tiền.
Sự phát triển bứt phá của Alibaba ở mảng tài chính, của một đồng tiền kỹ thuật số NDT với sự hỗ trợ của chính quyền Bắc Kinh, sự nổi lên của TikTok,… cho thấy một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bắc Kinh đang cố gắng tránh xa chiến dịch gây sức ép của Washington để thực hiện chính sách giảm sự phụ thuộc vào thị trường và công nghệ nước ngoài. Chính quyền của ông Tập Cận Bình chi những khoản tiền lớn cho nghiên cứu, phát triển công nghệ. Và khi nước Mỹ yếu đi, sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể khiến thế giới rúng động.
V. Hà