Vạn Điều Hay

Từ vụ ở sân bay Tân Sơn Nhất: Virus SARS-CoV-2 có lây qua hành lý ký gửi?

Chia sẻ

Ổ dịch được phát hiện ở sân bay Tân Sơn Nhất sau đó truy vết ra 6 quận, huyện khác của TP.HCM dẫn đến nhiều hoang mang lo lắng cho người dân. Đặc biệt, nhiều người lo ngại đặt câu hỏi virus có lây qua hành lý không?

Đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế nhận định tình hình dịch ở TP.HCM rất phức tạp. Khả năng cao ổ dịch tại khu bốc xếp hành lý Sân bay Tân Sơn Nhất đã có từ trước. Vì vậy, từ 5 ca nhiễm Covid-19 tại đây, qua truy vết và xét nghiệm đã phát hiện thêm 24 ca tại 6 quận, huyện của TP Hồ Chí Minh.

Bộ Y tế nhận định tình hình dịch của TP Hồ Chí Minh khá phức tạp vì ổ dịch trải qua các chu kỳ lây nhiễm và hiện nay chưa xác định được điểm khởi đầu của đợt dịch này.

Nhóm công nhân bốc xếp hàng hoá (cả người nhiễm và chưa nhiễm) có thể không có điểm lây nhiễm từ khu vực bốc xếp vào khu hành khách, cũng như khu vực có người phục vụ trong Cảng Hàng không.

Nhiều người băn khoăn rằng hành lý ký gửi có khả năng là nguồn lây nhiễm Covid-19 không?

Trao đổi với chúng tôi bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng không thể lây nhiễm từ hành lý ký gửi của hành khách. Bác sĩ Khanh cho biết về lý thuyết nhân viên khu vực sân bay Tân Sơn Nhất này chỉ tiếp xúc với hàng hoá nên nhiều người cho rằng hành lý ký gửi có thể mang virus. Còn thực tế thì không thể xảy ra sự việc như vậy.

Bệnh nhân 1979 là nhân viên sân bay sống ở Bình Dương cùng với người em trai có thể không phải là F0. Trước đó, bệnh nhân này tiếp xúc một số người đồng nghiệp, đến quán lẩu dê. Sau đó, bệnh nhân mới bắt đầu sốt, ho và đến khám tại Bệnh viện Quân Y 175 (TP.HCM). Rõ ràng, người này đã lây nhiễm ở một nơi trước đó, rồi mới xuất hiện triệu chứng.

Bác sĩ Khanh cho rằng cũng giống như ở Hải Dương, trường hợp ở sân bay Tân Sơn Nhất không chắc nhân viên sân bay đã lây bệnh từ chính trong sân bay mà lây từ cộng đồng và qua việc mở rộng xét nghiệm ngẫu nhiên cho nhân viên sân bay thì chúng ta “bắt” được ca bệnh.

Dịch Covid-19 xảy ra trong cộng đồng ở TP.HCM

Theo bác sĩ Khanh, trong cộng đồng chắc chắn có nguồn bệnh. Việc chúng ta làm hiện tại đó là nâng cao phòng chống dịch cá nhân luôn đeo khẩu trang và rửa tay.

Dịch ở TP.HCM khác với Hải Dương vì Hải Dương chúng ta khu trú được trong một khu vực còn TP.HCM thì rải rác nhiều quận huyện, điều này sẽ làm cho việc truy vết khó khăn hơn. Tuy nhiên, nhìn bức tranh hiện tại, bác sĩ Khanh cho biết khả năng sẽ mất 1 tuần để khoanh vùng, truy tìm ca bệnh. Con số bệnh nhân sẽ không dừng ở mức 29, 30 ca mà sẽ nhiều lên.

Còn đối với thông tin F1 âm tính, F2 dương tính, khả năng cao chính F2 sẽ là F0 và qua vòng truy vết chúng ta thấy điều này. BS Khanh cho biết việc F1 lây cho F2 rồi F1 khỏi còn F2 dương chỉ là giả thuyết và hiện tại không nên lo lắng vì sao F1 âm mà F2 dương vì có thể chính F2 là F0.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, đánh giá: “Đợt dịch đang bùng phát ở TP.HCM rất phức tạp vì đã có nhiều ca lây ra cộng đồng, đặc biệt, chưa tìm ra nguồn lây tại đây”. Điều này khác Hải Dương và Quảng Ninh khi các địa phương này đã sớm khoanh trúng ổ dịch.

Thực tế, PGS Phu cho rằng nhìn vào bức tranh dịch hiện nay chúng ta thấy tốc độ lây lan của virus rất nhanh. Ông Phu cho biết nếu không xác định, truy vết được các ca lây nhiễm, chúng ta không thể dập dịch. Nếu chúng ta không ngăn được, trong thời gian ngắn, từ F0 sẽ lây ra F1, F2 thậm chí, F3, F4. Những người này lại trở thành F0 và gây ra các ổ dịch mới.

Đối với những người đi lại trên sân bay Tân Sơn Nhất thời gian qua, bác sĩ Khanh cho rằng không nên quá hoang mang lo lắng và tốt nhất nên thực hiện nghiệm biện pháp 5K Bộ Y tế đã ban hành. Hiện tại, chúng ta chưa biết virus ẩn nấp ở đâu nên phòng bệnh vẫn là điều quan trọng nhất.