Đồng USD không ngừng lao dốc, trong khi đó đồng tiền của Trung Quốc mạnh lên rõ ràng. Quyền lực mềm của nước Mỹ dưới thời ông Joe Biden có thể bị đe dọa.
USD lao dốc
Đồng USD gần đây liên tục lao dốc trong bối cảnh đồng Bitcoin tăng mạnh, giá vàng đi lên và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng không ngừng leo thang và có thể còn lên thêm nữa
Tính tới cuối tuần, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động của đồng bạc xanh với rổ 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), đứng ở mức 90,81 điểm. Đây là mức thấp nhất trong gần 3 năm qua và thấp hơn nhiều so với mức 102,82 điểm ghi nhận hồi giữa tháng 3.
Như vậy, đồng USD đã giảm khoảng 11,7% trong 9 tháng qua so với rổ các đồng tiền chủ chốt và mức giảm có thể còn mạnh hơn nếu so sánh riêng lẻ với một số đồng tiền, trong đó có đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc.
Đồng USD tiếp tục lao dốc trong bối cảnh kinh tế Mỹ đình trệ hoặc chậm lại, trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn tồi tệ dù thế giới có những tiến bộ vượt bậc về vaccine ngừa dịch bệnh.
Kể từ khi đại dịch bùng nổ tại Mỹ, Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất về 0% và bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế. Chủ tịch Fed Jerome Powell nhiều lần nhấn mạnh cần thiết phải tăng cường các gói viện trợ của chính phủ để duy trì sự phục hồi và giúp các công ty cùng các hộ gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Đồng bạc xanh giảm còn trong bối cảnh ứng cử viên Joe Biden có những bước tiến nhanh chóng vào Nhà Trắng. Ông Joe Biden được cho là sẽ có những chính sách bơm tiền mạnh tay hơn so với ông Donal Trump.
Tính tới 5/12, ông Biden đã nắm đủ phiếu đại cử tri để đắc cử tổng thống Mỹ. Với chiến thắng gần như chắc trong tay, ông Biden có thể sẽ chấm dứt các chính sách theo chủ trương “Nước Mỹ trên hết” (America First) của ông Trump.
Phục hồi kinh tế là ưu tiên hàng đầu mà chính quyền ông Biden sẽ theo đuổi. Với kinh nghiệm trong việc thuyết phục các nhà lập pháp của cả 2 đảng, những người Dân chủ sẽ yêu cầu Quốc hội Mỹ đồng ý cho một gói cứu trợ Covid-19 để hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn cũng như các doanh nghiệp nhỏ đang bị dịch bệnh tàn phá.
Đồng USD theo đó có thể còn tiếp tục giảm sâu.
Vị thế số 1 của Mỹ bị thách thức
Có thể thấy, cuộc bầu cử Mỹ gần như ngã ngũ với chiến thắng ngày càng tới gần với ông Biden. Ông Donald Trump còn chờ ngày bỏ phiếu của đại cử tri 14/12 và sau đó kết quả sẽ được quốc hội Mỹ thông qua vào ngày 6/1.
Cơ hội cho ông Donald Trump lật lại thế cờ là rất ít. Ông Joe Biden nhiều khả năng sẽ đảo ngược nhiều chính sách của ông Trump ngay trong những ngày đầu tiên vào Nhà Trắng, trong đó hồi phục kinh tế là một ưu tiên hàng đầu.
Gần đây, lãnh đạo phe đảng Dân chủ của Mỹ đã đề xuất gói kích thích kinh tế mới có giá trị 908 tỷ USD, nhằm phá vỡ những bế tắc kéo dài kể từ khi gói kích thích cũ hết hạn vào cuối tháng 7.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Biden cho rằng, báo cáo việc làm ảm đạm cho thấy đà phục hồi kinh tế đang chững lại và cảnh báo về “mùa đông đen tối” phía trước sẽ khiến tình hình thêm tồi tệ, trừ khi quốc hội Mỹ lập tức thông qua một dự luật hỗ trợ.
Trên Reuters, đại diện Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities cho biết, một thỏa thuận trước cuối năm gần như không thể thực hiện được nhưng giờ đây, gói khoảng 1.000 tỷ USD dường như đã nằm trong tầm tay.
Chưa biết, khi nắm quyền, ông Biden sẽ đưa ra những chính sách cụ thể gì để phục hồi nền kinh tế Mỹ, nhưng việc củng cố vị thế của nước Mỹ có vẻ không hề dễ dàng khi Trung Quốc đang nổi lên mạnh mẽ và tìm cách giành quyền lực, nhất là quyền lực mềm mà Mỹ duy trì trong nhiều thập kỷ qua.
Sự nổi lên của đồng Nhân dân tệ và đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc là những tín hiệu cho thấy điều này.
Gần đây, các số liệu cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc vẫn mạnh, do vậy đây là lý do khiến Bắc Kinh không vội kiềm chế đà tăng của đồng NDT dù đồng tiền này lên mức cao nhất trong 2 năm rưỡi qua so với USD. Một đồng NDT tăng giá còn giúp Trung Quốc nhập khẩu rẻ hơn và thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Đây cũng là mục tiêu chiến lược để Bắc Kinh nhằm phát triển một nền kinh tế tự chủ, tự cường.
Đồng NDT tăng giá cũng giúp thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và dòng vốn gián tiếp nước ngoài FII vào Trung Quốc, cũng như tạo đà cho Trung Quốc quốc tế hóa đồng NDT và tăng quyền lực mềm của Bắc Kinh.
Trong vài năm gần đây, Bắc Kinh nỗ lực thúc đẩy việc sử dụng đồng NDT trong thương mại quốc tế. Việc gia tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được cho là cơ hội tuyệt vời để Trung Quốc thúc đẩy sự quốc tế hóa đồng NDT. Đây cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh châu Âu và Mỹ.
Trên thực tế, tới nay, USD vẫn là đồng tiền được lựa chọn trong các giao dịch quốc tế. Tuy nhiên, vị thế của đồng bạc xanh đang bị thách thức hơn bao giờ hết, nhất là sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho phép phát hành NDT kỹ thuật số.
Nỗ lực của Bắc Kinh trong hơn 1 thập kỷ qua nhằm nâng vị thế đồng NDT và làm suy yếu vai trò của đồng USD trong thương mại và đầu tư toàn cầu sắp có thành quả. Việc soán ngôi đồng USD của Trung Quốc tương lai gần khó trở thành hiện thực, nhưng về dài hạn rất có thể xảy ra.
M. Hà