Vạn Điều Hay

Vụ lái xe Mercedes và nữ tiếp viên hàng không: Đang bị tạm giam vẫn “tẩu tán” được tài sản?

Chia sẻ

Bị cáo vụ “ lái xe Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không thương tật 79%” đã ký chuyển nhượng căn hộ ngay lúc đang bị tạm giam, rồi khi ra tòa lại trình bày không có tiền bồi thường cho bị hại.

Ngày 16.12, TAND Q.Phú Nhuận (TP.HCM) xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) 7 năm 6 tháng tù về tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Bị cáo Phong là người lái ô tô Mercedes gây ra vụ tai nạn vào rạng sáng 30.1 ở đường Hồng Hà (Q.Phú Nhuận), khiến người chạy xe dịch vụ GrabBike Lê Mạnh Thường (64 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM) tử vong, chị Nguyễn Thị Bích Hường (30 tuổi, tiếp viên hàng không; ngồi sau xe nạn nhân Thường) bị thương tật vĩnh viễn 79%.Về phần dân sự, HĐXX ghi nhận sự tự nguyện của bị cáo Phong bồi thường cho bị hại Lê Mạnh Thường 477 triệu đồng, Nguyễn Thị Bích Hường 1,4 tỉ đồng.

Ký chuyển nhượng nhà ngay trong lúc bị tạm giam

Tuy nhiên, tại tòa, bị cáo Phong khai tài sản duy nhất là căn hộ đã chuyển nhượng cho mẹ trong lúc bị cáo đang bị tạm giam, nên bản thân dù muốn bồi thường nhưng không có tiền để bồi thường. Phong còn khai vào thời điểm bị cáo bị tạm giam, mẹ bị cáo cùng người ở phòng công chứng đến, bị cáo chỉ ký vào giấy tờ, ngoài ra không biết gì hết.Theo hồ sơ vụ án, ngày 18.6, bà Trần Hoàng Họa Mi (52 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) có làm đơn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Q.Phú Nhuận để cùng người đại diện Văn phòng công chứng (VPCC) Đồng Thị Hạnh (đường Ngô Gia Tự, P.4, Q.10, TP.HCM) xin gặp Phong ở nhà tạm giữ Công an Q.Phú Nhuận. Trong đơn ghi rõ, bà là mẹ của Nguyễn Trần Hoàng Phong, bị can trong vụ án. Phong là bên nhận chuyển nhượng hợp đồng căn hộ số A14-09 tại dự án Dream Home (Q.Gò Vấp). Hiện nay, bà và Phong có nhu cầu công chứng văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ trên, để chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ sang cho bà.

Theo nội dung văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ, Phong đã thanh toán cho chủ đầu tư hơn 1 tỉ đồng. Theo đó, giá chuyển nhượng hợp đồng giữa Phong và mẹ (bà Mi) vẫn là hơn 1 tỉ đồng, thanh toán ngay sau khi công chứng hợp đồng này. Ngày 22.6, hồ sơ chuyển nhượng được VPCC Đồng Thị Hạnh công chứng, trong đó có nội dung các bên giao kết hợp đồng đã đọc lại toàn bộ dự thảo này vào lúc 9 giờ 10 tại nhà tạm giữ Công an Q.Phú Nhuận.Có mặt tại tòa, bà Mi trình bày do số tiền bồi thường quá lớn nên bà nói Phong sang tên căn hộ cho bà, rồi bà “cầm cố căn nhà, có tiền bồi thường”. Nhưng căn hộ chưa có sổ đỏ, ngân hàng không cho vay nên bà vẫn đang đứng tên căn hộ này.Trong phần tranh luận tại phiên tòa, luật sư của bị hại đề nghị HĐXX xem xét việc chuyển nhượng tài sản trong quá trình bị cáo tạm giam được xem là hành vi “tẩu tán tài sản” hòng “né” trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Khi tuyên án, HĐXX nhận định người liên quan vụ án có thể khởi kiện bằng vụ án dân sự khác để giải quyết.

Có “truy” được trách nhiệm của CQĐT ?

Việc bị cáo Phong chuyển nhượng căn hộ cho mẹ ngay khi đang bị tạm giam cũng dấy lên nghi vấn CQĐT, VPCC liệu có vi phạm khi “tạo điều kiện” cho Phong tẩu tán tài sản…

Nỗi đau “sống không bằng chết”

Sau phiên tòa sơ thẩm, chị Nguyễn Thị Bích Hường cho biết sẽ kháng cáo vì bản án mà TAND Q.Phú Nhuận tuyên quá nhẹ. Theo lời chị Hường, sau vụ tai nạn, 79% sức khỏe của chị vĩnh viễn không lấy lại được, không thực hiện công việc ước mơ của mình, sức khỏe giảm sút, gánh nặng tài chính đè lên vai. Hiện tại, đến việc chăm con, bế con, chị cũng không tự mình làm được, phải thuê người giúp việc; đi lại phải chống nạng và sẽ phải tiến hành phẫu thuật thêm nhiều lần nữa.Theo chị Hường, 1,4 tỉ đồng bồi thường chỉ là chi phí điều trị của các cuộc phẫu thuật kéo dài suốt một năm và thu nhập bị mất. Số tiền đó không là gì so với nỗi đau đớn thể xác, sống không bằng chết của chị…

Liên quan vấn đề này, theo thạc sĩ Võ Văn Tài (giảng viên Trường Đào tạo – bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP.HCM), người bị tạm giam chỉ bị hạn chế quyền đi lại, những quyền khác nếu luật không cấm, tước bỏ thì được thực hiện. Trong đó, người bị tạm giam vẫn có quyền giao dịch dân sự, nhưng CQĐT phải biết giao dịch đó và cho phép các bên gặp mặt để thực hiện giao dịch.Đồng thời, ông Tài cho biết theo điều 128 và điều 129 bộ luật Tố tụng hình sự, để bảo đảm bồi thường thiệt hại, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp kê biên tài sản và phong tỏa tài khoản đối với bị can, bị cáo. “Tuy nhiên, điều luật đã tạo điểm mở khi dùng từ “có thể”, tức cơ quan tiến hành tố tụng làm cũng được, không làm cũng không sao. Vì vậy, khi không kê biên tài sản của bị can, tạo điều kiện cho bị can tẩu tán tài sản, thì chúng ta cũng chỉ đặt nghi vấn trách nhiệm của người tham gia tiến hành tố tụng; còn để chiếu theo điều luật nào để quy trách nhiệm thì không có”, thạc sĩ Tài nêu.Ngoài ra, theo ông Tài, luật có quy định về kê biên tài sản. Ngay từ đầu nếu người bị hại có văn bản đề nghị áp dụng biện pháp kê biên tài sản đối với Phong, nhưng CQĐT từ chối, rồi “tạo điều kiện” để Phong chuyển nhượng tài sản, thì sau đó người bị hại có quyền đề nghị xử lý trách nhiệm người tiến hành tố tụng. “Trong trường hợp sự thể đã rồi này, để bảo vệ quyền lợi, các bị hại cần có đơn yêu cầu tòa án tiến hành áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn mọi giao dịch phát sinh, đảm bảo việc thi hành án của Phong sau này. Sau đó, các bị hại sẽ khởi kiện vụ án dân sự nhằm tuyên bố giao dịch kia vô hiệu, theo điều 124 bộ luật Dân sự 2015”, ông Tài cho hay.

Không bồi thường, mang án cả đời

Trong trường hợp nếu như bị cáo Phong không bồi thường cho phía bị hại, luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết điều 66 bộ luật Hình sự quy định bồi thường dân sự là một trong những điều kiện để tha tù trước thời hạn. Nếu bị cáo không bồi thường thiệt hại cho người bị hại, thì khi thụ án sẽ không được xem xét giảm án vào những dịp lễ, tết…“Khi bị cáo đã thi hành xong án phạt tù nhưng vẫn không bồi thường về dân sự cho bị hại, thì sẽ không được xem xét để xóa án tích. Điều 70 và 71 bộ luật Hình sự về đương nhiên được xóa án tích cũng như xóa án tích theo quyết định của tòa án, đều quy định là thực hiện xong hình phạt chính và các quyết định khác của bản án. Các quyết định khác trong đó có quyết định về bồi thường dân sự”, luật sư Sang nhấn mạnh.