4 tư duy hơn người của những người thành công khi tuổi đời còn rất trẻ: Trứng hôm nay đừng để ngày mai mới đẻ
“Vì sao có những người tuổi đời còn rất trẻ, nhưng lại có chiều sâu tư duy hơn rất nhiều người khác?” Những người trẻ tài giỏi như vậy, họ mang trong mình những đặc điểm gì?
Cứ như thường lệ, mỗi dịp Tết đến xuân về, Chua Lam (nhà báo, người dẫn chương trình, nhà sản xuất phim người Hồng Kông gốc Singapore) lại dành thời gian để trả lời câu hỏi của một vài độc giả của mình.
Hỏi: “Tiên sinh có thể cho những người trẻ trong độ tuổi 20 một vài lời khuyên nào đó không?”
Đáp: “Đọc nhiều sách lên một chút.”
Hỏi: “Chua tiên sinh, muốn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực sấy chè, vậy thì phải làm sao?”
Đáp: “Sấy chè mỗi ngày”
Chua Lam luôn dùng những câu đáp ngắn gọn nhưng vô cùng tinh tế và đúng trọng tâm khiến nhiều độc giả kính phục.
Rất nhiều người tài giỏi, thực ra ngay từ khi còn rất trẻ, họ đã cho thấy mình là một người rất ưu tú.
Trong một chương trình truyền hình thực tế, Chua Lam từng chia sẻ về bài phê bình phim đầu tiên của mình.
Khi ấy ông còn rất trẻ, ham chơi, nhưng tiền lại không có, ông luôn tự bảo mình rằng “không được dựa dẫm vào người khác”, cứ như vậy, ông tìm tới công việc viết phê bình phim để kiếm thêm, bài viết đó được đăng trên “Nhật báo kinh doanh Nam Dương” và nhận được nhuận bút khá hậu hĩnh.
Khi đó, Chua Lam mới chỉ 14 tuổi.
Theo thời gian, không khó để phát hiện ra rằng, xung quanh ta, luôn tồn tại những con người như này:
Họ có một tư duy vượt qua bạn bè cùng lứa tuổi, có một chiều sâu chín chắn hơn so với độ tuổi thực của mình.
Họ thu hoạch được nhiều thứ sớm hơn, thành công hơn, có địa vị cao hơn bạn bè đồng trang lứa, con đường của họ trải nhiều hoa hồng hơn, thuận lợi hơn…
Trên mạng có một chủ đề được bàn tán rất sôi nổi rằng:
“Vì sao có những người tuổi đời còn rất trẻ, nhưng lại có chiều sâu tư duy hơn rất nhiều người khác?”
Những người trẻ tài giỏi như vậy, họ mang trong mình những đặc điểm gì?
01
“Nhổ cây đào rễ”
Tiểu thuyết gia nổi tiếng người Nga, Ivan Goncharov từng nói: “Cuộc sống không phải toàn bộ đều là hoa hồng, luôn tồn tại những cái gai chực chờ đâm vào ta bất cứ lúc nào.”
Đúng vậy, cuộc sống trước giờ không bao giờ chỉ có những điều tốt đẹp, sự thuận lợi, phần lớn trạng thái cuộc sống của tất cả chúng ta đều là, giải quyết xong vấn đề này, tiếp tục bận rộn đi giải quyết vấn đề tiếp theo.
Những người vừa nhìn đã thấu được bản chất vấn đề, thường thắng ngay tại điểm xuất phát.
Cách đây ít lâu tại Trung Quốc, giá trị thị trường của một công ty trong ngày đầu tiên niêm yết đã vượt quá 100 tỷ, và giá trị của “chưởng môn nhân” đứng phía sau công ty ấy cũng vượt quá 50 tỷ.
Ít ai ngờ được rằng, Vương Ninh, “chưởng môn nhân” mà ta nhắc ở trên mới chỉ 33 tuổi.
Bất cứ ai khi khởi nghiệp, đều sẽ gặp phải không ít thăng trầm, Vương Ninh cũng không phải ngoại lệ.
Một lần nọ, một nhân viên trong công ty đề xuất việc dùng máy tự động để bán sản phẩm, khi ấy rất nhiều người trong công ty đều phản đối.
Nhưng bản thân Vương Ninh lại nhận ra một điều rằng sản phẩm của công ty có thể tích khá nhỏ, khách hàng hoàn toàn có thể lựa chọn ngẫu nhiên, và điều này hoàn toàn phù hợp với máy bán hàng tự động. Vì vậy, bất chấp sự phản đối của nhiều người, anh kiên quyết đưa máy bán hàng tự động vào hoạt động.
Kết quả, phương thức bán hàng này không chỉ thu hút được một lượng lớn người mua, những nơi có doanh số tiêu thụ lớn cũng được tham khảo để trở thành nơi mở cửa hàng, cũng giống như Vương Ninh từng nói: “Bằng cách này, tỷ lệ mở cửa hàng sẽ cao hơn.”
Trên con đường khởi nghiệp, có vô số khoảnh khắc cần bạn đưa ra quyết sách một cách quyết đoán và nhanh chóng như vậy.
Có một khoảng thời gian, khi các nhà đầu tư cho rằng thương hiệu này quá khiêm tốn và muốn Vương Ninh có sự điều chỉnh càng sớm càng tốt, Vương Ninh đã trực tiếp từ chối:
“Vẫn chưa đến lúc đó.”
Cũng chính vì Vương Ninh luôn biết cách “đào từ rễ” của vấn đề rồi sau đó nỗ lực một cách chính xác mà ngày nay, hơn 200 cửa hàng của Pop Mart do anh làm chủ đã được mở.
Trong “Bố già”, có một câu thoại kinh điển như này:
“Người chỉ mất nửa giây để nhìn thấu bản chất của sự vật, và người mất cả đời cũng không thể nhìn thấu bản chất của sự vật, đã được định sẵn là sẽ có những số phận hoàn toàn khác nhau.”
Rèn luyện thói quen đào sâu vào bản chất, đi đúng hướng, “bất khả chiến bại” chỉ là chuyện sớm chiều.
Năng lực cơ bản nhất của một người có thể nên được nghiệp lớn: “Ai cầm được chìa khóa nhanh nhất, đó là người chiến thắng.”
02
“Gặp nước thì đắp cầu”
Vương Kiện Lâm (tỷ phú người Trung Quốc, chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Vạn Đạt cùng hệ thống rạp chiếu phim AMC rộng nhất thế giới. Ông cũng nắm giữ 20% cổ phần của câu lạc bộ bóng đá Tây Ban Nha Atlético Madrid và là người giàu nhất châu Á cho đến hết năm 2016) từng nói:
“Các cụ ngày xưa hay nói rằng “chưa đến sông Hoàng Hà thì vẫn chưa biết sợ”, nhưng tôi thì lại khác, tôi có đến sông Hoàng Hà thì tôi cũng không sợ, vì sao, vì xây cầu lên chẳng phải là sẽ qua được sông ư?”
Thực tế có rất nhiều chuyện như vậy, khi bạn cho rằng mình đã đến đường cụt, rằng mình không còn đường để đi nữa, dám xông pha bước vào một con đường khác, cơ hội biết đâu đang ở đó chờ đợi bạn.
Nói về quá trình khởi nghiệp của Vương Kiện Lâm, trong ấn tượng của rất nhiều người, chỉ cần dùng bốn chữ để mô tả – “thuận buồm xuôi gió”.
Nhưng thực ra, năm đầu tiên khi khởi nghiệp, Vương Kiện Lâm cũng đã từng gặp phải khó khăn.
Khi đó là những năm 80, khó khăn lắm Vương Kiện Lâm mới dành được một miếng đất, là một khu đất cũ ở Đại Liên, chi phí khai phá cho mỗi mét vuông là 1200 tệ.
Trong khi ở Đại Liên lúc bấy giờ, ngôi nhà đắt nhất cũng chỉ bán được với giá 1100 tệ/.
Khi tiếp nhận dự án này, Vương Kiện Lâm đã bị rất nhiều người trong ngành chê cười, thậm chí cả nhân viên cũng phản đối, nhưng ông đã cùng đội quản lý đưa ra những ý tưởng mới, theo đó:
1. Làm nhà vệ sinh, khi đó phần lớn mọi người dùng nhà vệ sinh công cộng.
2. Thay thế cửa sổ bằng gỗ bằng cửa sổ hợp kim nhôm.
3. Thay cửa gỗ bằng cửa chống trộm.
4. Tài trợ quảng cáo cho một bộ phim dài tập.
Làm theo 4 bước đó, mặc dù giá mỗi mét vuông đã tăng lên tới 1.580 tệ, nhưng Vương Kiện Lâm trong một cuộc phỏng vấn đã chia sẻ rằng: “Hơn 1000 căn nhà đã được bán chỉ trong vòng 1 tháng. Chúng tôi đã kiếm được hơn 10 triệu tệ từ khoản đầu tư này.”
Lúc này, Vương Kiện Lâm mới chỉ khoảng 34 tuổi.
Cao thủ đích thực, khi gặp vấn đề, phản ứng đầu tiên không phải là “không làm được”, mà là “làm thế nào”.
Phàm là chuyện gì cũng chỉ làm cho xong, đó là dấu hiệu bắt đầu của sự tầm thường; nhưng phàm là chuyện gì cũng năng suy nghĩ thêm một chút, đó chính là khởi đầu của sự ưu tú.
Triết học gia người Anh, Francis Bacon từng nói:
“Kẻ trí tạo ra nhiều cơ hội hơn là nhận được cơ hội.”
Đây là trí tuệ căn bản nhất của một người trong làm việc: “Gặp núi thì mở đường, gặp nước thì đắp cầu”, cứ tiền về phía trước, kiểu gì cũng thành đường lớn.
03
“Nhanh hơn nửa bước”
Có một câu nói thế này:
“Trứng hôm nay thì đừng để đến mai mới đẻ.”
Trong cuộc sống, người có ý tưởng thì không thiếu, nhưng người có thể biến ý tưởng thành hiện thực lại chẳng được bao nhiêu người.
Những người có khả năng chấp hành, có nhiệt huyết hành động cao, thường sẽ đi được xa hơn.
Trong những nhà khởi nghiệp trẻ trong lĩnh vực Internet tại Trung Quốc, Wang Xing, ông chủ của app Meituan (một nền tảng trực tuyến cung cấp một loạt các dịch vụ bao gồm ăn uống, danh sách địa phương và đặt chỗ trực tuyến…) có thể xem là người “dám xông pha” nhất.
Trước 25 tuổi, anh nhận được học bổng tuyển thẳng vào Đại học Thanh Hoa (một trong những trường đại học top đầu tại Trung Quốc); sau 25 tuổi, anh bước vào con đường khởi nghiệp đầy thăng trầm.
Năm 2004, năm bắt đầu cho con đường kinh doanh, Wang Xing thẳng thắn chia sẻ:
“Khi ấy, ngoài dũng khí ra thì tôi chẳng có gì, học xong cử nhân thì tôi đi Mỹ, ngoài bạn học ra, tôi không có bất kì mối quan hệ xã giao nào.”
Sau khi về nước, tôi tìm tới một bạn học đại học, một bạn học cấp 3, 3 người cứ như vậy cùng nhau bắt đầu tìm tòi từ con số 0.
Lần lượt bắt đầu hai dự án, dù đều thất bại, nhưng trải nghiệm đó đã khiến Wang Xing ngày một dũng cảm hơn:
Năm 2005, anh lập ra mạng xã hội “Renren wang”.
Tháng 5/2007, anh lập ra một cộng đồng trao đổi và chia sẻ có tên “Fanfou”.
Vào tháng 11 cùng năm, anh lại lập ra thêm một mạng xã hội có tên “Hainei wang”
Tháng 3/2010, Meituan chính thức ra đời…
Những nỗ lực nhanh chóng và không ngừng đào sâu đã giúp Wang Xing tìm ra “con đường” cho riêng mình.
Ở tuổi 31, Wang Xing tạo ra Meituan, cho tới hiện tại, giá trị thị trường của Meituan đã vượt quá 2 nghìn tỷ đô la Hồng Kông, và Wang Xing hiện chỉ mới 41 tuổi.
Không ngừng thử, không ngừng sửa sai, là vũ khí giúp chúng ta đuổi kịp thời đại nhanh hơn người khác nửa bước.
Thực tế trong cuộc sống, có không ít người:
“Ban đêm nghĩ ra hàng ngàn con đường, ban ngày vẫn đi đường cũ.”
Còn người dũng cảm bước chân ra khỏi con đường cũ, tự nhiên sẽ tiến gần tới thành công hơn một bước.
Maksim Gorky từng nói: “Trong cuộc sống, không có bất cứ thứ gì quan trọng và đáng quý hơn hành động.”
Đây là điều kiện bắt buộc của một người thành công: “Nhanh chóng hành động, giành lấy cơ hội, chỉ khi bạn nhanh hơn người khác nửa bước, bạn mới thực sự nắm được thế chủ động.”
04
“Stay Young”
Anthony Jay Robbins, một trong 5 nhà thuyết giảng hàng đầu thế giới từng nói:
“Nếu bạn không tự đặt ra giới hạn cho mình, sẽ không có rào cản nào trong cuộc sống có thể hạn chế bạn”.
Nhưng điều chúng ta giỏi nhất lại thường là tự hạn chế mình, mà quên mất rằng mình vốn dĩ có thể trở nên tốt hơn.
Có một người trẻ như này, anh ấy không bao giờ cho phép mình ngừng trưởng thành.
Trong mắt của bạn cùng phòng thời đại học, anh ấy là một người luôn “khát khao trở nên xuất sắc”.
Sau khi đi làm, anh dần ý thức ra được một điều rằng mình ở trong công ty, không phải là người có năng lực giỏi nhất, cũng chẳng phải là người có kinh nghiệm nhất.
Nhưng tất cả những điều đó không hề làm ảnh hưởng tới mong muốn phát triển của anh, và ở anh, người ta nhận thấy có hai đặc điểm:
1. Trong công việc, không bao giờ “chỉ dọn tuyết trước cửa phòng mình”
Xong việc của mình, anh ấy đi giúp đỡ người khác. Có người mới vào, anh ấy chủ động bồi dưỡng người mới.
2. Làm việc không bao giờ tự giới hạn
Không phải phần việc của mình, cũng tích cực suy nghĩ…
Khi mới bắt đầu làm việc, người phụ trách công việc kỹ thuật như anh ấy hầu như đều tan làm rất muộn, nhưng vì rất quyết tâm nên về đến nhà rồi vẫn làm tiếp chứ không ăn chơi hay nghỉ ngơi như những người khác.
Ngày nào cũng vậy, học hỏi, tiếp thu, cứ như vậy kiên trì suốt 2 năm.
Dần dần, từ một kĩ thuật viên bình thường, anh ấy trở thành người phụ trách của bộ phận lớn.
Cũng chính anh ấy, trong một bài phát biểu dành cho sinh viên tốt nghiệp đã nói:
“Người sống theo kiểu “Stay Young” về cơ bản sẽ không có giới hạn trên, họ sẽ luôn để bản thân không ngừng phát triển. Ngược lại, rất nhiều người sau khi tốt nghiệp có ý thức nâng cao kĩ năng, nhưng tới một mức trần nào đó, lại không tiếp tục phát triển được nữa.”
“Người trẻ” mà chúng ta nhắc tới ở đây là Trương Nhất Minh, ông chủ của ByteDance, năm 29 tuổi lập ra trang tin tức Toutiao, 33 tuổi lập ra nền tảng Douyin (tên quốc tế là Tiktok).
Phía sau thành quả rực rỡ ấy là sự nỗ lực hết mình và không ngừng phi nước đại trên con đường sự nghiệp trong suốt nhiều năm.
Có một câu nói rất hay như này:
“Đừng ngồi đợi gió tới, bạn phải chạy, để gió tự tới tìm bạn.”
Con người, chỉ cần bạn không tự giới hạn mình, sẽ chẳng ai có thể giữ chân được bạn.
Phát triển, không ngừng phát triển, không ngừng phát triển nhanh chóng, quyết liệt xông pha, 10 năm sau, hãy ngoảnh đầu nhìn lại.
05
Chúng ta đều từng là thiếu niên, chúng ta đều cũng sẽ già đi.
“Trẻ trung” tuy là điều tốt, nhưng nó cũng tuyệt đối không phải là “hoa hồng” vĩnh viễn của một người.
Cũng giống như một tác gia từng nói: “Thanh xuân, không phải là để chỉ một giai đoạn nào đó của cuộc đời, mà là dùng để chỉ một trạng thái tinh thần.”
Không ngừng phát triển, chúng ta sẽ luôn “trẻ trung”.
Không ngừng tiến bộ, tư tưởng sẽ ngày một sâu sắc hơn.
Trên con đường cao tốc của cuộc đời, điều duy nhất chúng ta cần làm đó là trở nên tốt hơn ngày hôm qua một chút!