60 năm làm vợ chồng, ông vẫn giặt đồ, tắm gội cho bà lúc ốm đau, bệnh tật: “Tui không có con, cả đời này có mình bả thôi”
Trong căn trọ xập xệ chưa đầy 15m2, ông Tư chậm rãi, hai tay đỡ lấy bà Lân từ trong nhà vệ sinh bước ra. Gần 80 tuổi, ngoài việc đi bán vé số, nhặt ve chai để kiếm tiền, ông Tư còn là “đôi chân, ánh mắt” của người vợ già bệnh tật.
– Bà mệt lắm không, ngồi đợi tui tý xíu nha!
Nói đoạn, ông Tư quay về phía nhà vệ sinh, loay hoay dọn mớ quần áo ướt, xà phòng sau khi gội đầu cho vợ, miệng lẩm bẩm. “Mấy tháng nay bả bệnh nặng, không đứng vững được, tui phải giúp bả, nhà này có 2 vợ chồng già thôi”.
60 năm ông vẫn mãi yêu bà!
Những ngày đầu tháng 3/2021, chúng tôi tìm đến căn trọ nhỏ nằm cuối hẻm 380 đường Lê Văn Lương (phường Tân Hưng, quận 7, TP.HCM) để thăm ông Nguyễn Văn Giác (79 tuổi, hay còn gọi là ông Tư) và bà Phạm Thị Lân (77 tuổi).
Ngồi một góc trước cửa nhà, ông Tư cặm cụi đếm lại xấp vé số đang bán dở rồi quay về phía bà Lân, nở nụ cười hiền hậu: “Tui lấy nước cho bà nghen”.
Dù mới trở về nhà sau một buổi sáng đạp xe đi bán vé số, ông Tư vẫn ân cần xuống bếp rót nước, chăm sóc từng li, từng tý cho bà Lân. Nên nghĩa vợ chồng từ 60 năm trước, tuy không có con cái nhưng chưa bao giờ ông Tư cảm thấy cô quạnh vì lúc nào cũng có bà Lân ở bên.
Hớp ngụm trà, ông Tư chép miệng, rồi kể: “Hồi đó tui đi làm phụ hồ mới gặp bả, thương nhau nên dọn về sống chung. Không hiểu sao cả 2 không có con, chắc tại ý trời”, ông Tư trầm ngâm.
“Nhưng tui thương bả dữ lắm, từ nhỏ tui đã không còn cha mẹ, bả là người thân duy nhất của tui. Hồi còn khỏe mạnh thương nhau, giờ già cả ốm đau, tui đâu thể nào bỏ được, phải lo cho bả chứ”, ông Tư nghẹn lời.
Lúc trước, cả 2 vợ chồng ông Tư đều làm thuê, cuộc sống đắp đổi qua ngày. Từ khi bà Lân bị bệnh, mọi chi tiêu trong nhà trở nên eo hẹp hơn, phần vì tiền thuốc men, viện phí, phần vì già cả, ông Tư chẳng thể nào làm lụng như xưa. Căn trọ hiện tại ông bà thuê với giá 1.4 triệu đồng, chưa kể điện nước…, quay đi quẩn lại là tới tháng đóng tiền, cứ thiếu trước hụt sau.
“Có hôm bà phải ăn cơm với nước mắm, nói chứ khổ lắm con ơi, giờ có mỗi ổng đi làm, bà nào có phụ giúp gì được. Chân thì đi không vững, bệnh cao huyết áp, tiểu đường nữa…”, bà Lân nắm chặt bàn tay của ông Tư, xúc động.
Mỗi ngày, ông Tư phải thức dậy từ tờ mờ sáng, sau khi chuẩn bị cơm nước sẵn cho bà Lân, ông đạp xe đi rong ruổi khắp các con hẻm tại quận 7, có hôm qua tận Phước Kiểng (Nhà Bè) để bán hơn 100 tờ vé số. Nhiều bữa đạp xe tận mấy chục cây số vẫn không hết vé, ông đành lủi thủi đi về trả bớt vé rồi xách túi nylon đi lượm ve chai.
Dẫu vất vả, khổ cực, ông Tư vẫn chưa một lời nặng nhẹ với bà Lân. Bởi vì ông thương bà, dù là của hiện tại hay 60 năm về trước.
“Tui muốn tặng bả một bữa cơm ngon”
– Ông ơi, có bao giờ ông tặng bà món quà gì không?
– “Có cái gì đâu mà tặng, bữa nào tui bán được nhiều thì mua đồ ăn ngon về cho bả. Vậy thôi chứ có gì đâu”, ông Tư quay sang nhìn bà Lân, bẽn lẽn.
Nhìn ánh mắt hạnh phúc của bà, tôi buột miệng: “Thế từ trước đến giờ, ngày 8/3, ông có tặng bà gì không?”.
– “Hổng có đâu con ơi, ông không có tiền lấy gì mà tặng. Nhưng bà thương ổng lắm, không thương sao ở tới giờ. Bà bệnh như này mà ổng lo hết…”, bà Lân rưng rưng nước mắt.
Ở cái tuổi 77, lại mang trong mình nhiều chứng bệnh tuổi già, tai lại không nghe rõ, bà Lân chỉ biết quanh quẩn nằm ở nhà đợi ông Tư đi bán vé số về chăm sóc. Nhiều lúc nghĩ phận mình bệnh tật, bà chỉ muốn ¢нếт sớm đi để ông Tư bớt khổ, nhưng rồi chính cái sự ân cần, chu đáo của ông, bà vẫn mong được sớm hôm bầu bạn.
“Không có bả chắc tui buồn lắm, tui thương cái tính thật thà của bả, mấy chục năm rồi, tui chỉ có mỗi mình bả thôi”, ông Tư cười nghẹn.
Có lẽ ở những ngày cuối đời, ông chẳng mong gì hơn ngoài cơm no ngày ba bữa, bà được mạnh khỏe cạnh bên. Ông ước gì ông có thể lo cho bà được nhiều hơn thế, ít nhất là một bữa cơm ngon.
“Nhiều lúc biết bả thèm ăn cá thịt nhưng tui nào có tiền, tui sợ một ngày nào đó, bả bỏ tui mà đi. Ở với bả, có cực mấy tui cũng chịu được, già cả rồi, nào có trông mong gì hơn”, ông Tư nói đoạn nhìn bà Lân, cười hạnh phúc.
Trong căn phòng trọ, ông Tư bật chiếc radio cũ được một người bạn tặng cho rồi ngân nga theo từng câu hát vọng cổ. Sau những bộn bề lo toan của cuộc sống, ông lại tận hưởng những phút giây yên bình bên cạnh bà Lân.
Ông cũng chẳng biết mình có thể ở bên bà bao lâu nữa, không phải vì hết thương mà ông sợ, sợ ông hay bà, một trong 2 người sẽ bỏ mà về với ông bà, tổ tiên. “Chắc lúc đó, tui hay bả sẽ buồn lắm”, ông Tư chua xót.
Hiện tại, ông bà đang sống tại căn phòng trọ cuối hẻm 380 Lê Văn Lương (phường Tân Hưng, quận 7). Quý bạn đọc gần xa quan tâm có thể tìm đến hỗ trợ, giúp đỡ để ông bà có được sự đủ đầy cơm ngày 3 bữa cho những năm tháng cuối đời. Số điện thoại ông Tư: 0937093114, xin chân thành cảm ơn!