Anh, Pháp Đức nhận thấy mối đe dọa đến từ Trung Quốc, cuối cùng sẽ đe dọa an ninh quốc gia của họ
Chuyên gia nhận định ba nước này, đặc biệt là Anh và Pháp, nhận thấy mối đe dọa đối với luật lệ và chuẩn mực quốc tế đến từ Trung Quốc cuối cùng sẽ đe dọa an ninh quốc gia của họ.
Anh, Pháp và Đức đã gửi công hàm chung lên Liên Hợp Quốc phản bác các yêu sách phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông, giữa lúc ba cường quốc quan trọng của châu Âu đang tìm cách tăng cường sự hiện diện và vai trò ở các vùng biển lân cận Trung Quốc.
Trong công hàm chung được đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa LHQ (CLCS) hôm 16/9, ba nước châu Âu bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử” mà Trung Quốc tuyên bố ở Biển Đông, cũng như việc vẽ đường cơ sở đối với các cấu trúc tại vùng biển.
Công hàm cũng khẳng định vai trò của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 mà Trung Quốc là thành viên, cũng như phán quyết của tòa trọng tài ở Hà Lan năm 2016 trong vụ kiện Biển Đông liên quan Philippines và Trung Quốc.
“Việc này cho thấy 3 cường quốc châu Âu đang thực sự tiến hành các bước hướng đến mục tiêu cuối cùng là bảo vệ các lợi ích của họ trong việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp tại các vùng biển, đặc biệt là Biển Đông”, ông Jay Batongbacal, giáo sư Trường Luật – Đại học Philippines, chuyên gia hàng đầu về luật biển quốc tế tại Đông Nam Á.
Bảo vệ lợi ích
Lợi ích này là rất rõ ràng đối với Anh và Pháp, hai ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, đồng thời là hai quốc gia hạt nhân với năng lực “hải quân biển xanh”. Cả hai đều có các lãnh thổ quan trọng, cũng như đối tác thương mại – đầu tư then chốt tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trong bài viết đăng trên Asia Times hôm 16/9, nhà phân tích Richard Javad Heydarian ở Philippines nói Anh, Pháp và Đức, còn được gọi là nhóm E3, đang muốn đóng vai trò lớn hơn trong việc kiềm chế tham vọng hải quân đang trỗi dậy của Trung Quốc.
Năm ngoái, Pháp đã công bố báo cáo chiến lược khu vực, trong đó nước này cam kết “củng cố vị thế cường quốc khu vực ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nỗ lực bảo vệ lợi ích chủ quyền và an ninh của công dân, đồng thời đóng góp tích cực vào sự ổn định quốc tế”.
Đầu tháng này, Đức đã “tiến vào” các vùng biển châu Á thông qua định hướng chính sách dài 40 trang nói nước này hướng đến mục tiêu “đóng góp tích cực vào việc định hình trật tự quốc tế ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, bên cạnh những mục tiêu khác.
Theo chuyên gia Heydarian, tuyên bố này có ý nghĩa quan trọng khi xét đến việc Đức không có lãnh thổ tại khu vực cũng như không có năng lực “hải quân biển xanh” để thị uy ở các đại dương xa xôi.
Anh vẫn chưa công bố điều gì như vậy và câu chuyện “Brexit” đang diễn ra đã làm phức tạp mối quan hệ của nước này với khu vực. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lời kêu gọi tại nước này nói London nên triển khai tàu quân sự và kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thủ tướng Anh Boris Johnson được cho là đang dự tính điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth mới đóng trị giá 3,1 tỷ bảng Anh (4 tỷ USD) tới Biển Đông để biểu dương lực lượng cũng như thể hiện sự ủng hộ với các đối tác của mình.
“Ba nước này, đặc biệt là Anh và Pháp, nhận thấy rằng các mối đe dọa của Trung Quốc đối với luật lệ và chuẩn mực quốc tế trên thực tế đe dọa toàn bộ hệ thống, từ đó đe dọa đến an ninh quốc gia của họ”, Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Washington, nói với Zing, khi được hỏi về tính thời điểm của công hàm ngày 16/9.
“Biển Đông là mặt trận trong đó Bắc Kinh phớt lờ hoặc nỗ lực viết lại luật lệ và một số quốc gia châu Âu đang bắt đầu nhận ra rằng việc cho phép Trung Quốc làm như vậy sẽ có những tác động lớn ảnh hưởng đến họ”.
Tăng cường cam kết chiến lược
Bill Hayton, nhà báo, nhà nghiên cứu người Anh với nhiều năm theo dõi Biển Đông, nói rằng “có vẻ như Anh, Pháp và Đức đã dành thời gian để chuẩn bị lập trường pháp lý” mà họ cuối cùng thể hiện trong công hàm ngày 16/9. Hồi đầu tháng này, Anh cũng đã cập nhật lập trường pháp lý về Biển Đông, vị chuyên gia cho hay.
Chuyên gia Heydarian, nhà báo kiêm tác giả sách, người đang dạy về chính trị quốc tế tại Philippines, cho rằng dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron, Pháp đã triển khai tư thế chiến lược chủ động tại khu vực với sự lưu tâm dành cho Trung Quốc.
Ông chỉ ra việc Pháp đã tăng cường các cam kết chiến lược, mở rộng quan hệ quốc phòng và kinh tế với các nền dân chủ cùng chí hướng như Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.
Trong chuyến thăm khu vực năm 2018, ông Macron đã kêu gọi thành lập các liên minh chiến lược mới bao gồm trục Pháp – Australia – Ấn Độ để duy trì trật tự tự do và mở ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Những năm gần đây, Pháp đã ký kết các thỏa thuận quốc phòng lớn với các cường quốc đồng minh, bao gồm hợp đồng bán tàu ngầm trị giá 38 tỷ USD cho Australia và hợp đồng bán máy bay chiến đấu Rafale trị giá 9,4 tỷ USD cho Ấn Độ.
Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu năm 2018, ông Macron nói với Bắc Kinh rằng các sáng kiến kinh tế của nước này không nên là “đường một chiều”, mà thay vào đó phải đảm bảo lợi ích của các nước đối tác.
Pháp cũng đã tăng cường năng lực hải quân của mình trong nỗ lực rộng lớn hơn do Mỹ dẫn dắt nhằm duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không ở các vùng biển lân cận Trung Quốc.
Năm 2019, Trung Quốc đã cố tình loại Pháp khỏi lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân sau khi khinh hạm Vendemiaire (F734) của Pháp tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở eo biển Đài Loan, chuyên gia Heydarian cho biết.
“Bước lên võ đài”
Một đồng minh quan trọng của Mỹ, nước Anh thời hậu Brexit đang cân nhắc động thái tiếp theo của mình. Tuần này, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đã tiến hành diễn tập sơ bộ để chuẩn bị cho các đợt triển khai xa hơn vào năm 2021, theo bài viết trên Asia Times.
Tiếp theo trong lịch trình là các cuộc tập trận chung với Mỹ có sự tham gia của máy bay chiến đấu F35 Lightning mới được mua, trong khi tàu sân bay Anh chuẩn bị cho việc tuyên bố khả năng tấn công từ tàu trong những tháng tới.
Lưu ý căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, nghị sĩ Anh Andrew Bowie đã kêu gọi chính phủ của ông Johnson “mở rộng tầm mắt trước những mối đe dọa hết sức rõ ràng” do Trung Quốc gây ra và “bước lên võ đài” bằng cách triển khai tàu sân bay tới Tây Thái Bình Dương.
“[Quy mô] của hạm đội Trung Quốc và tốc độ phát triển của họ phải là lời cảnh báo rõ ràng về quyết tâm trở thành siêu cường quốc biển của Trung Quốc”, nghị sĩ Bowie, người cũng từng là sĩ quan hải quân, cảnh báo.
“Với việc cả Mỹ và Australia lại một lần nữa bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông vào tháng 7, đã đến lúc một nước Anh toàn cầu thực thụ bước lên võ đài và đối mặt với sự xâm phạm phi pháp và phi lý với sự quyết đoán mới”.
Trở lại năm 2017, ông Johnson, khi đó đang giữ chức ngoại trưởng, gợi ý rằng Anh có thể sẽ triển khai tàu sân bay mới nhất của nước này đến Biển Đông vào năm 2021. Song cường quốc châu Âu vẫn đang hoàn thiện kế hoạch trong khi cân nhắc khả năng đáp trả của Trung Quốc.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy lập trường cứng rắn chống lại Bắc Kinh, với việc Anh hủy bỏ hợp đồng lớn với các công ty Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn như Huawei vì lo lắng rủi ro an ninh, biến nước này thành một bên trong cuộc chiến công nghệ đang tăng nhiệt giữa Mỹ và Trung Quốc.