Bà Nguyễn Thanh Phượng nhận 0 đồng, tổng giám đốc từ chối khoản tiền 4 tỷ
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp từ chối những khoản lương thưởng lớn để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, những khoản thu nhập khổng lồ khác có thể khiến các đại gia Việt hài lòng.
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt – VCSC (VCI) vừa công bố tờ trình đại hội đồng cổ đông thường niên với một trong các nội dung liên quan tới vấn đề lương thưởng. Theo đó, HĐQT trong đó có chủ tịch Nguyễn Thanh Phượng, thành viên Tô Hải, thành viên Nguyễn Bảo Hoàng và 4 người khác tiếp tục không nhận thù lao trong năm 2021.
HĐQT Chứng khoán Bản Việt cũng đã thông qua khoản thưởng 7,7 tỷ đồng cho ban giám đốc, tương đương 8% phần lãi trước thuế năm 2020 cao hơn cùng kỳ.
Tuy nhiên, ban giám đốc chỉ nhận 3,85 tỷ đồng do ông Tô Hải – Tổng Giám đốc từ chối khoản thưởng của mình để giảm chi phí cho công ty.
Mặc dù không nhận thù lao ở cả 2 cương vị chủ chốt nhưng ông Tô Hải có những khoản tiền khổng lồ từ công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam này.
Cũng trong tờ trình vừa được công bố, HĐQT VCSC dự tính sẽ chia cổ tức 15% (tương đương 1.500 đồng/cp). Với hơn 37,7 triệu cổ phiếu VCI đang nắm giữ, ông Tô Hải sẽ thu về khoảng 56,6 tỷ đồng.
Không những thế, việc giá cổ phiếu tăng 3,5 lần trong 8 tháng qua giúp túi tiền của ông Tô Hải tăng thêm khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng lên 2,4 nghìn tỷ đồng như hiện tại.
Hồi tháng 7/2020, ông Tô Hải đã chi khoảng 145 tỷ đồng mua 6 triệu cổ phiếu Chứng khoán Bản Việt ở mức giá khoảng 24.000 đồng/cp. Cổ phiếu VCI hiện có giá 65.000 đồng. Riêng khoản này, ông Tô Hải đã lãi khoảng 246 tỷ đồng kể từ khi mua vào hồi giữa tháng 7/2020.
Trên thị trường chứng khoán, giới đầu tư chứng kiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không nhận lương thưởng.
Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang và HĐQT của Tập đoàn Masan ghi nhận 9 năm liền không nhận thù lao cho dù ban lãnh đạo tập đoàn này đang vận hành 1 bộ máy rất lớn, với doanh thu 2021 dự kiến tăng 20-30% lên trên ngưỡng 100 nghìn tỷ đồng. Tập đoàn cũng dự kiến bố trí không quá 5 tỷ ngân sách cho chi phí hoạt động của HĐQT, bao gồm các ủy ban trực thuộc trong năm 2021.
Trong những năm trước đây, nhiều doanh nghiệp cũng áp dụng mức “thù lao 0 đồng” đối với HĐQT, Ban kiểm soát… như FPTS, Chứng khoán Phú Hưng, SBS… hay cắt giảm mạnh lương lãnh đạo khi doanh nghiệp gặp khó khăn như SHB, Eximbank, Thép Nam Kim, QCG…
Trong năm khó khăn 2020 vừa qua, nhiều doanh nghiệp nói không với chuyện sa thải nhân viên và trước hết tập trung cắt giảm lương lãnh đạo.
Tại VietJet, ban giám đốc giảm 25% lương, phó giám đốc giảm 20% và cấp trưởng phòng phải điều chỉnh 10% lương thưởng so với trước đây… Hãng Bamboo Airways cũng đã điều chỉnh thu nhập của những người ở lại cho đến khi thị trường phục hồi.
Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết cũng nhiều lần thông qua mức thù lao của lãnh đạo tập đoàn khá thấp, cho chủ tịch, các phó chủ tịch và các thành viên HĐQT chỉ vài triệu đồng/người/tháng.
Trước đó, nhiều lãnh CTCP Đầu tư Xây dựng thương mại Dầu khí IDICO hưởng mức lương 3-5 triệu đồng/tháng. Trưởng BKS DN hưởng lương 3 triệu đồng/tháng/người, trong khi thành viên chỉ 1,5 triệu đồng.
CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử – Viễn thông (ELC) cũng chi trả mức mức thù lao từ 3-5 triệu đồng/tháng/người. CTCP dịch vụ ôtô Hàng Xanh (HAX) cũng đã có thời kỳ trả lương vài triệu đồng cho BKS và HĐQT không được nhận thù lao.
Ở chiều ngược lại, không ít lãnh đạo chia nhau lương thưởng trị giá nhiều tỷ đồng.
Dàn lãnh đạo FPT nhiều năm nhận mức lương trung bình 250 triệu/tháng. Lãnh đạo Vinamilk thu nhập bình quân mỗi tháng trên 400 triệu đồng. Sếp Tổng công ty Cảng Hàng không (ACV) nhận lương trăm triệu mỗi tháng,…
Ông Lê Phước Vũ, chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen (HSG) năm 2015 thu về 110 tỷ đồng tiền mặt và 22 triệu cổ phiếu, chưa kể khoản thu nhập gần 130 triệu đồng mỗi tháng,… Chủ tịch Tổng công ty Khí Việt Nam – PVGAS (GAS) năm trước cũng được trả trên 70 triệu đồng/tháng, trong khi VinaCafé Biên Hòa nhận thù lao 150 triệu đồng…
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index ở quanh ngưỡng 1.120 điểm.
Theo MBS, thị trường vẫn lầm lũi đi lên để chinh phục lần lượt từng mức kháng cự từ thấp đến cao. Thị trường đã sang phiên tăng điểm liên tiếp thứ 2, VN-Index đã vượt qua mốc 1200 điểm khi thị trường đóng cửa phiên 18/3. Có thể khẳng định thị trường đang rất khỏe và đi lên vững chắc cùng với dòng tiền nội vẫn đang là yếu tố nâng đỡ thị trường hồi phục từng bước một.
Theo kỹ thuật, VN-Index đã bứt phá thành công qua mốc 1200 điểm, tuy nhiên nhà đầu tư cũng cần lưu ý khi thị trường có thể cần test lại quanh mốc đỉnh này và những phiên điều chỉnh xảy ra để tạo đà bứt phá cho xu hướng tăng mới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/3, chỉ số VN-Index tăng 14,85 điểm lên 1.200,94 điểm; HNX-Index tăng 0,93 điểm lên 277,48 điểm. Upcom-Index giảm 0,03 điểm xuống 81,69 điểm. Thanh khoản đạt 18,9 nghìn tỷ đồng.
V. Hà