Chuyện chưa kể về công nhân thu gom rác của công ty Môi Trường bị nợ lương: “Tôi đã chuẩn bị tâm lý nghỉ việc để đi chăn bò”
Sau khi được các nhà hảo tâm giúp đỡ, tâm trạng của một số công nhân thu gom rác có hoàn cảnh khó khăn bị nợ lương ở Hà Nội đã vui vẻ trở lại.
“Nếu nghỉ việc thì tôi sẽ đi chăn bò”
“Tôi vừa mới đi viện về”, ông Đoàn Văn Đăng (người bị ¢ụт мộт ¢нâи, năm nay đã gần 60 tuổi nhưng hàng ngày vẫn đeo chân giả đi 60km, vắt kiệt sức lực để vật lộn với rác) cười khi có khách đến.
Hôm trước, ông Đăng đột nhiên bị đau đầu đến mức không chịu được, vậy là gia đình lo lắng bèn cho ông vào Bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ khám bệnh. Rất may kết quả không có gì đáng lo ngại.
Ngồi uống nước bên hiên của căn nhà thuê tạm, khuôn mặt khắc khổ của ông Đăng luôn nở nụ cười bởi “được nhiều người giúp đỡ nên vui”.
Ông Đăng kể, cách đây vài hôm, trước khi trả lời phỏng vấn truyền thông, ông rất căng thẳng, trong đầu ông đã đấu tranh tư tưởng nhiều giờ liền vì “sợ mất việc”. Thế nhưng, trước nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền, ông đã quyết định trả lời.
“Cái chân tôi đây này, bây giờ nhiều người biết rồi, không biết có được đi làm nữa không, trường hợp công ty không cho làm việc nữa tôi cũng đành chấp nhận”, ông Đăng nói.
Ông Đăng cũng cho biết thêm, hoàn cảnh của gia đình mình được đưa lên truyền thông, nhiều người dân trong xã biết đến. Thậm chí “họ đi ngoài đường cũng chạy vào nhà tôi động viên. Họ bảo tôi nên nghỉ nghề này đi, ở nhà chăn nuôi, giữ sức khoẻ”.
“Điều này tôi đã dự tính rồi, tâm lý nghỉ việc đã được chuẩn bị sẵn mấy hôm nay. Tôi không sợ mất việc nữa, mọi người sắp giúp tôi mua 2 con bò về rồi, tôi sẽ đi chăn bò hàng ngày thôi”, ông Đăng cười.
Làm việc trong hầm chung cư bị rác rơi trúng đầu, phải khâu 11 mũi
Ngồi trong góc giường tại căn nhà ở phường Phú Đô (Nam Từ Liêm, Hà Nội), chị Uyên hôm nay cũng không đi làm vì đau bụng, công việc của chị sẽ được chị Phương (tổ trưởng tổ môi trường phụ trách trả lương cho công nhân ở 2 phường Cầu Diễn và Tây Mỗ) làm hộ.
Nhắc đến chị tổ trưởng, chị Uyên không quên dành lời khen cho người sếp – người bạn của mình. “Cô Phương là người giúp đỡ chúng tôi rất nhiều mà không phải chỉ hoàn cảnh của tôi đâu, những ai khó khăn cô đều quan tâm và giúp đỡ.
Có lần, tôi và cô Phương đang dọn rác ở hầm chung cư thì cô Phương bị người dân ném rác từ trên cao xuống trúng đầu. Thế là chảy nhiều máu, phải đi khâu 11 mũi. Ấy vậy mà cô Phương cũng bỏ qua vì lúc đó đang mải dọn, không biết túi rác ở tầng nào rơi xuống”.
Mặc dù vẫn mặc chiếc áo của công nhân môi trường nhưng khuôn mặt chị Uyên hôm nay rạng rỡ hẳn vì mấy hôm nay chị được nhiều người gọi điện ủng hộ, động viên.
Với những sự giúp đỡ này, từ nay chị Uyên sẽ không phải lo cảnh con bỏ học vì xấu hổ nữa
“Tôi rất cảm động và vui mừng khi được nhiều người quan tâm, giúp đỡ cho hoàn cảnh của gia đình tôi. Những khoản tiền này phần nào sẽ giúp tôi bớt vất vả thêm một phần”.
Về việc tiền học của con trai, chị Uyên cũng nhận được tin vui khi có người thân trong nhà đứng ra giúp đỡ. Từ nay, chị sẽ không phải lo lắng cảnh đưa con đi học nhưng “tại cháu xấu hổ nên chạy về nhà” nữa.
“Bé trai cũng được một người thân giúp đỡ đóng học phí trong thời gian tới, tôi sẽ dành tiền để tu sửa cái nhà cho mấy mẹ con có chỗ ở cẩn thận hơn”, chị Uyên tâm sự.
Trước đó, ngày 19/6, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội (Công ty Minh Quân đổi tên), mới trả trước 500 triệu đồng tiền lương cho công nhân. Các khoản còn lại sẽ thanh toán trước ngày 10/7.
Bà Nguyễn Thị Phương, tổ trưởng tổ môi trường phụ trách trả lương cho công nhân ở 2 phường Cầu Diễn và Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Chỉ tính riêng tổ của tôi, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội thanh toán 500 triệu đồng, còn hơn 1,3 tỉ đồng nữa.
Ai cũng khó khăn nên mọi người cứ nhường nhau, người nào vay nợ nhiều hay nợ tiền học của con thì được ưu tiên nhận trước”.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã có văn bản yêu cầu kiểm tra, xử lý thông tin hơn 200 lao động lĩnh vực vệ sinh môi trường bị nợ lương. Cụ thể, Chủ tịch thành phố yêu cầu Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cùng các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân vệ sinh môi trường, báo cáo thành phố trước ngày 30/6/2021.
Theo Nhịp Sống Việt