Mua xe cũ phải để ý điều này:thủ đoạn ‘mẹ bồng con’ và xe ¢нồиɢ χá¢
Sau vụ 2 ôtô có biển số giống nhau bị phanh phui, độc giả Zing phản ánh thực trạng “mẹ bồng con”, xe ¢нồиɢ χᢠxuất hiện trên mạng để hợp thức hóa các loại xe vi phạm.
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện những vụ 2 ôtô có biển số giống nhau. Tại quận Hà Đông (Hà Nội), từ việc 2 Mercedes cùng biển số chạm mặt trên đường Tố Hữu, cảnh sát đã phá một đường dây chuyên làm giả giấy tờ các loại xe sang.
Từ những vụ việc trên, nhiều độc giả phán ảnh đến Zing về thực trạng “mẹ bồng con”, xe ¢нồиɢ χᢠxuất hiện trên mạng xã hội.
Vì sao gọi là “xe ngân”, “xe Lào”, “xe Cam”?
Khi tìm kiếm cụm từ “xe ngân, xe Lào, xe Cam” trên mạng xã hội, không khó để thấy hàng chục hội, nhóm kinh doanh mặt hàng này.
Tại đây, số lượng thành viên không nhiều, tối đa chỉ khoảng vài chục nghìn người, ít hơn hẳn so với các nhóm mua, bán xe khác.
Ông Đặng Trần Khanh, Phó trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho Zing biết các loại xe được rao bán ở các nhóm như vậy có nhiều nguồn gốc khác nhau. Tùy theo nguồn gốc sẽ quyết định tên gọi của chúng.
Phổ biến nhất là “xe ngân” – là loại mà chủ xe vay tiền từ các các tổ chức tín dụng để mua và phải thế chấp giấy tờ. Sau đó, họ sẽ mang xe đi cầm đồ để lấy tiền và bỏ xe. Từ đó, các xe này trở thành xe giả.
Còn xe Cam, xe Lào là các loại thuộc diện tạm nhập, tái xuất tại biên giới Việt Nam – Lào hoặc Việt Nam – Campuchia. Các xe này tạm nhập vào địa bàn cụ thể ở Việt Nam có thời hạn một tháng, hết hạn phải tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Muốn lưu hành tiếp, chủ xe phải lên cửa khẩu xin gia hạn. Vì muốn bán giá rẻ trao tay, mà không phải tái xuất.
Theo ông Khanh, điểm chung của loại xe này là kẻ bán đánh vào lòng tham của nhiều khách hàng. Họ muốn có ôtô sang trọng, nhưng giá rẻ chỉ bằng 30-50% so với xe chính ngạch, hợp pháp.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới cho biết về cơ bản những xe như vậy sẽ không có giấy tờ, biển số. Nếu dùng biển và giấy tờ giả sẽ rất nhanh bị phát hiện. Từ đây, thủ đoạn “mẹ bồng con” được áp dụng để qua mặt cơ quan chức năng.
Ông Khanh lý giải thủ đoạn trên sẽ có 2 ôtô có biển số giống hệt nhau và 2 tình huống xảy ra. “Thứ nhất là xe giả và xe thật cùng chủ sở hữu và trường hợp thứ 2 là chủ xe thật không biết xe mình bị làm giả giấy tờ”, ông Khánh nói.
Còn thuật ngữ xe ¢нồиɢ χᢠđể chỉ thủ đoạn lấy biển kiểm soát thật của một chiếc xe khác có thể là hư hỏng, hết niên hạn rồi gắn sang chiếc xe nhập lậu mới hơn.
Từ kinh nghiệm theo dõi thị trường xe nhiều năm, anh X.T. (ở TP.HCM) cho biết với trường hợp thứ nhất, chủ xe sẽ mua một chiếc ôtô chính ngạch, hợp pháp được đăng ký đúng theo quy định. Sau đó, họ sẽ báo mất toàn bộ giấy tờ và biển số để được cấp lại.
Từ đây, bộ biển số và giấy tờ thật mới được cấp lại sẽ được rao bán cho những người có phương tiện cùng chủng loại. “Như vậy, họ sẽ thoát được nhiều trường hợp. Trừ khi bị CSGT cà số khung, số máy mới bị phát hiện”, anh T. nói.
Anh X.T. cũng cảnh báo người mua lại xe cũ cần cẩn trọng bởi rất có thể trước khi bán xe, chủ cũ đã kịp làm quy trình xin một bộ biển số, giấy tờ mới, sau đó bán cho người có nhu cầu.
Ngoài ra, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết còn có thủ đoạn xe sử dụng giấy tờ thanh lý giả, giấy biên nhận thế chấp ngân hàng giả để kiểm định, gây khó khăn trong kiểm soát của các đơn vị đăng kiểm do việc liên thông dữ liệu (ngân hàng, cơ quan có thẩm quyền thanh lý tài sản) chưa có. Các đơn vị đăng kiểm phải mất nhiều thời gian và rất khó khăn để xác minh.
Người bán và sử dụng đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo anh Nguyễn Lâm, quản trị viên của một diễn đàn về giao thông với hơn 150.000 thành viên, trong bối cảnh cơ quan chức năng ứng dụng công nghệ vào xử phạt vi phạm giao thông, tình trạng “mẹ bồng con” để lại rất nhiều hệ lụy đối với chủ xe thật.
“Người đi xe thật rất dễ bị xử phạt nguội oan chưa kể trường hợp người đi xe giả gây tai nạn có hậu quả nghiêm trọng”, anh nói.
Còn theo tiến sĩ Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, kể cả khi cơ quan chức năng xác minh ra vi phạm và chứng minh chủ xe thật vô tội thì họ cũng mất nhiều thời gian và tiền bạc bởi nguy cơ bị từ chối đăng kiểm hoặc phải đi lại, giải trình nhiều lần.
Đại tá Nguyễn Quan Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của Cục CSGT khuyến cáo trường hợp chủ phương tiện nhận được thông báo vi phạm nhưng không liên quan thì cần bình tĩnh, hợp tác với cơ quan chức năng. Cơ quan công an sẽ kiên quyết điều tra để xử lý phải đúng người, đúng hành vi.
Ông Đặng Việt Hà, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho hay những loại xe “mẹ bồng con” không qua mắt được cơ quan chức năng.
“Hiện cơ sở dữ liệu được liên thông và cơ quan đăng kiểm đã áp dụng nhiều giải pháp công nghệ. Nếu nhận thấy có giấy tờ không đúng với phương tiện hoặc dữ liệu không trùng khớp, chúng tôi sẽ lập tức từ chối kiểm định và chuyển sang cơ quan công an xác minh và xử lý”, ông Hà nói.
Về chế tài đối với người mua, bán, sử dụng ôtô “mẹ bồng con”, luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho biết tùy mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp người bán biển số, giấy tờ để hợp thức hóa xe gian thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với vai trò là đồng phạm giúp sức.
“Nếu thu bất chính từ 300 triệu đồng trở lên thì mức hình phạt cao nhất đến 15 năm tù giam. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng; tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, luật sư nói.
Còn đối với trường hợp sử dụng biển số, giấy tờ cấp lại để hợp thức hóa xe nhập lậu rồi bán cho những người chưa tìm hiểu kỹ thông tin xe thì có thể xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự mức hình phạt cao nhất là tù chung thân khi chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.
Người bán xe lậu, xe gian tùy trường hợp có thể bị xử lý về hai tội danh nêu trên.
Trường hợp cơ quan chức năng xác định chủ xe có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo Điều 323 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng; tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trong khi đó, người mua xe gian nếu không biết nguồn gốc tài sản thì có thể yêu cầu người bán xe cho mình hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận, bồi thường thiệt hại bởi hợp đồng mua bán xe vô hiệu do lừa dối.