Nhạc sĩ Lam Phương, vì sao sáng trên bầu trời nghệ thuật vừa đã vừa vụt tắt

Chia sẻ

NHẠC SĨ LAM PHƯƠNG 1937 – 2020

Trăm Nhớ Ngàn Thương… Một vì sao sáng trên bầu trời nghệ thuật đã vừa vụt tắt. Một trong những tên tuổi lớn nhất của âm nhạc Việt Nam đã vĩnh viễn ra đi.

Nhạc sĩ Lam Phương vừa trút hơi thở cuối cùng vào lúc 6:07pm ngày 22 tháng 12, 2020 tại thành phố Fountain Valley, California.

Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20 tháng 3 năm 1937. Ông là một trong những người tiên phong của tân nhạc miền Nam với gia tài sáng tác gồm hơn 200 tác phẩm trải rộng trong nhiều đề tài như thân phận con người, thăng trầm đổi thay của mệnh nước, ca ngợi quê hương, tình mẫu tử, tình lính và tình yêu.

Nổi danh từ năm 17 tuổi với 2 sáng tác Chuyến Đò Vĩ Tuyến và sau đó là Kiếp Nghèo, Lam Phương là 1 trong những tác giả có sức ảnh hưởng và được yêu mến nhất với vô số những tác phẩm nổi tiếng như Thành Phố Buồn, Duyên Kiếp, Tình Bơ Vơ, Đèn Khuya, Nắng Đẹp Miền Nam, Khúc Ca Ngày Mùa, Tình Anh Lính Chiến, Đoàn Người Lữ Thứ, Biển Tình, Lầm, Say, Bài Tango Cho Em, Mùa Thu Yêu Đương, Tình Vẫn Chưa Yên… Dòng nhạc Lam Phương có sức lan toả rộng rãi tới khắp mọi tầng lớp trong xã hội, được thuộc nằm lòng và yêu chuộng qua nhiều thế hệ cho đến tận bây giờ. Cuộc đời đầy thăng trầm biến động của người nhạc sĩ tài hoa đã khép lại. Sự ra đi của ông là 1 mất mát to lớn cho nền nghệ thuật Việt Nam. Trung tâm Thuý Nga cùng toàn thể các ca nghệ sĩ xin tri ân nhạc sĩ Lam Phương cho tất cả những đóng góp của ông, và thành kính phân ưu cùng tang quyến. Cầu mong nhạc sĩ yên nghỉ nơi cõi lành. “Nắng xuyên qua lá, hạt sương lìa cành Đời mong manh quá, kể chi chuyện mình Nắng buồn cuộc tình, bỗng tắt bình minh…”

Từ nhiều năm nay, ông phải ngồi xe lăn, sức khỏe ngày càng yếu. Tuy vậy, ông vẫn không ngừng hoạt động, qua việc nhận những cuộc phỏng vấn hay ghi hình ở tư gia và những lúc có thể. Nhạc sĩ Lam Phương vốn là người gốc Hoa, theo gia đình lưu lạc đến Rạch Giá, gia đình rất khó khăn. Năm 10 tuổi, ông được gửi lên Saigon để đi học, may mắn lại gặp được hai nhạc sĩ hướng dẫn là nhạc sĩ Lê Thương và nhạc sĩ Hoàng Lang. Năm 15 tuổi đã bắt đầu sáng tác.Vài năm sau, cái tên Lam Phương đã gây sóng gió trong làng âm nhạc miền Nam. Nhiều ca khúc của ông như Kiếp Nghèo, Giọt Lệ Sầu, Chiều Hành Quân, Khúc Ca Ngày Mùa… được người mộ điệu săn tìm mua các nhạc bản và gửi thư liên tục yêu cầu trên đài phát thanh. Nhưng đỉnh điểm là năm 1970, khi ông đến Đà Lạt, cảm tác từ ngọn đồi nghĩa trang thành ca khúc Thành Phố Buồn, thì Lam Phương thật sự trở thành ông hoàng về cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tên tuổi của ông trở thành một phần lịch sử của âm nhạc miền Nam Việt Nam, cũng như hoàn toàn bước khỏi cuộc sống khó khăn trước đây. Bài hát này đem lại cho nhạc sĩ Lam Phương số tiền đến hơn 12 triệu đồng VNCH. Một ví dụ nhỏ cho biết, chiếc xe Honda đời mới nhất nhập nguyên thùng từ Nhật về Việt Nam, chỉ trên dưới 30.000 đồng.Thế nhưng sau tháng 4-1975, ông phải bỏ lại tất cả, một lần nữa cùng gia đình ra biển, đến Mỹ định cư. Cuộc sống kể như làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng cùng một gia đình phải lo toan.Và rồi, sức sáng tác của ông một lần nữa lại bùng lên với những bài hát như Chiều Tây Đô, Tình Hồng Paris, Tôi Sẽ Đi… chinh phục khán giả từ hải ngoại đến thế hệ trẻ trong nước.

Theo Trung Tâm Thúy Nga

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.