Ông Đoàn Ngọc Hải: Marathon là đường chạy hạnh phúc
Ở tuổi 52, ông Đoàn Ngọc Hải đang nỗ lực xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam về chạy marathon, đồng thời lan tỏa những năng lượng tích cực tới cộng đồng.
Một sớm lạnh giữa cao nguyên Mộc Châu, ông Đoàn Ngọc Hải thức dậy và xỏ giầy ra đường chạy bộ như mọi ngày. Đó là thói quen của ông nhiều năm qua dù đang ở đâu, làm gì. Nhiều người dân Mộc Châu nhận ra ông xin chụp ảnh cùng. Ông vui vẻ đáp lại với nụ cười gần gũi, thân thiện.
Hôm ấy, ông vừa chở bệnh nhi Thào A Thình cùng bố là Thào A Chầu và mẹ Sòng Thị Sao từ Bệnh viện Nhi Trung ương về xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Với ông, chạy bộ là niềm vui, là cách rèn luyện sức khỏe để ông luôn vững tay lái trên những cung đường hành thiện của mình. Và bây giờ, chạy bộ với ông còn là sự lan tỏa tình yêu thương, năng lượng tích cực tới mọi người.
Chạy bộ từ nhỏ, 15 tuổi từng đạt giải nội dung 3000m trong cuộc thi cấp thành phố, nhưng chỉ khi “từ quan”, ông Đoàn Ngọc Hải mới dành nhiều thời gian hơn cho chạy bộ và trở thành VĐV marathon nghiệp dư.
Cuối tháng 11/2020, ông Đoàn Ngọc Hải hoàn thành cuộc thi marathon xuyên đêm ở Hà Nội để chạm mốc cuộc thi marathon thứ 10 trong năm. Đây là lần thứ 2 trong vòng 2 tháng, ông tham dự chạy đêm quanh phố cổ Hà Nội với cùng cự ly 42km và là lần thứ 3 trong 2 tháng, ông chinh phục thành công các giải chạy được tổ chức ở Thủ đô.
Nếu chỉ tính riêng từ thời điểm ông Đoàn Ngọc Hải lái chiếc xe cứu thương chở đầy sữa và quà tặng cho trẻ em hồi tháng 8 đến cuối tháng 11, ông đã chạy tổng cộng 7 giải trong vòng 48 ngày, trung bình mỗi tuần một giải.
Không chỉ chạy nhiều, cựu Phó Chủ tịch Quận 1 TP.HCM còn liên tục phá kỷ lục của cá nhân. Trên đường chạy marathon di sản thế giới hiện đại ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), ông xuất sắc hoàn thành cự ly 42,195km với thời gian 4 giờ 56 phút 26 giây. Trước đó 3 tuần, ông lần đầu tiên chạy marathon dưới 5 giờ ở giải Longbien Marathon 2020 (4 giờ 57 phút, 34 giây).
Đó là những con số “điên rồ” với một người sắp bước sang tuổi 52 như ông Đoàn Ngọc Hải. Thế nhưng ông khẳng định chưa dừng lại, ông muốn tham dự 4 cuộc thi nữa trước khi năm 2020 khép lại và hy vọng sẽ được công nhận kỷ lục Guinness Việt Nam là người lớn tuổi nhất hoàn thành nhiều giải marathon nhất Việt Nam. Đặc biệt là đi dự giải tại các địa phương bằng việc tự lái xe cứu thương.
Ông Hải thừa nhận, ở tuổi của ông, cố lập kỷ lục không hay ho gì. Nhưng ông muốn sống và làm những điều mình mong muốn. Trong đó có việc lan tỏa những năng lượng tích cực tới cộng đồng. Đó là niềm vui, là hạnh phúc với ông.
Về đích ở mỗi cuộc thi luôn là cảm xúc đặc biệt. Nó là hạnh phúc của mỗi người tham dự cuộc thi. Nhưng với ông Hải, hạnh phúc ông không dừng lại ở vạch đích.
Tháng 9/2020, ông Hải tới Hà Giang bằng xe cứu thương khi chở miễn phí bệnh nhân nghèo bị cưa chân từ bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Một tháng sau, ông trở lại mảnh đất địa đầu tổ quốc để chinh phục thành công “con đường hạnh phúc” với nỗ lực phi thường.
“Tôi đã chạy nhiều giải marathon ở Việt Nam và 1 giải ở Myanmar. Nhưng giải marathon ở Hà Giang có lẽ là cung đường khó chinh phục nhất, mệt nhất nhưng cũng thú vị nhất. Giải đấu này tra tấn cơ bắp, nếu ai không đủ thể lực, ý chí thì không thể chinh phục được. Rất nhiều trường hợp đã vỡ cơ, chuột rút, chấn thương phải lên xe cấp cứu”, ông Hải nói khi về đích.
Một ngày sau, ông Hải tới trường tiểu học Pả Vi của huyện Mèo Vạc, nơi ông đặt đầu bếp của nhà hàng nổi tiếng ở địa phương nấu 170 bát phở cho học sinh. Với nhiều đứa trẻ dẻo cao, đây là lần đầu chúng được ăn phở và được đút từng thìa bởi người chúng không hề quen biết. Bữa sáng đó ấm lòng, ấm dạ. Ông Hải cười hạnh phúc trước ánh mắt của những đứa trẻ, tặng thêm cho chúng sữa Ông Thọ cùng 4 chiếc xe đạp cho những học sinh học giỏi của trường .
Ngày 12/11/2020, ông Đoàn Ngọc Hải đến Phú Quốc dự giải marathon trên hòn đảo ngọc bằng xe cứu thương của mình, chở theo hơn 1200 lon sữa đặc. Trước buổi chạy, ông đến điểm trường Đá Chồng tặng sữa và hứa tặng 1 suất du lịch Malaysia cho học sinh THCS xuất sắc nhất của trường này.
Ông Hải cũng hứa với lòng mình sẽ khoác chiếc áo đấu có hình chữ thập đỏ đi làm từ thiện và đi chạy đến khi nào chân tay bủn rủn, không chạy, không làm được nữa mới thôi. Với ông, giá trị lớn nhất từ mỗi chuyến đi, mỗi hành trình, đơn giản chỉ làm được một việc tốt, giúp được chút gì đó cho những mảnh đời khó khăn.
“Thú thực, tôi chẳng có gì hạnh phúc đâu, bởi bệnh nhân chịu bao đau đớn thì mình hạnh phúc làm sao được!?”, ông Hải chia sẻ.
Trên đường đua với ông cũng vậy, mỗi cuộc thi đều là cuộc “hành xác” đúng nghĩa nhưng chưa bao giờ người ta thấy ông ngần ngại. Với ông, trên tất cả, chạy bộ là con đường hành thiện.