Thanh xuân ai cũng một lần đi qua các… khoản nợ, ý chí là thứ quyết định bạn sẽ trượt dài hay lấy đó làm động lực để thành công
Chúng ta hãy nói về tuyên ngôn sống: “Cứ nợ đi rồi mới có động lực để kiếm tiền”.
Tôi thường nhận được những cuộc điện thoại, vào đầu giờ chiều hoặc lơ lửng giữa sáng với đầu dây bên kia là một cô bé nói như bắn tốc độ. Em chào mời mở thẻ tín dụng vay tiêu dùng, hoặc một loại thẻ gì đó cho những khách hàng có số dư tài khoản tốt như của tôi. Đơn giản là, cứ vay và tiêu đi, trả nợ sau, đừng lo.
Phải khéo léo lắm tôi mới có thể từ chối để không tỏ ra thô lỗ. Để đến được một thái độ “mạnh mẽ” như vậy, tôi cũng đã phải trải qua một giai đoạn “cứ quẹt đã, tính sau”. Người ta nói chúng tôi là một thế hệ không tiền mặt (cashless) nhưng họ có thể thêm vào câu chuyện một vế đằng sau: thế hệ thẻ tín dụng.
Nếu như thế hệ trước ám ảnh bởi chữ “nợ” khi nó thường gắn liền với lô đề, cờ bạc – những cơn ác mộng quét qua làng xóm từ thành thị tới nông thôn, chao đảo một thế hệ bố mẹ. Những đứa con về “báo nhà” trở thành cơn ác mộng – dù bây giờ vẫn còn tồn tại, những gia đình một ngày sống yên ổn bỗng sáng hôm sau không còn thấy đâu. Họ mất tích. Trốn nợ. Không nói đâu xa cả, xóm tôi có một cô bán xôi nổi tiếng; món xôi của cô theo tôi suốt những năm tiểu học. Một buổi sáng đẹp trời, hàng xôi đóng cửa, treo biển ngừng bán. Mẹ bảo cô ấy trốn nợ. Sáng bán xôi, tối ôm bảng lô nên một ngày vỡ nợ chỉ có con đường chạy trốn.
Nợ ám ảnh đời bố mẹ tôi như vậy. Thế hệ chúng tôi khác. Những người trẻ Gen Y (và chắc chắn cả Gen Z) có một cái nhìn khác với nợ. Nói cho dễ hiểu, chúng tôi nhìn nợ giống như một mối quan hệ “love-hate”. Có những người ghét nợ cùng cực nhưng họ cần nợ để sống. Nhìn về nợ, người ta ta thấy sự đa dạng trong các khoản nợ của người trẻ và cả cách chúng tôi đang sống cộng sinh với những khoản nợ. Thanh xuân này, ai cũng một lần đi qua các khoản nợ…
Nợ tiêu dùng, nợ học phí cho tới nợ ngân hàng
Những khác biệt thế hệ kéo theo nhiều thay đổi trong các hành vi cuộc sống. Sự nhạy cảm mong manh của Gen Y và Gen Z khi thế hệ trước nói rằng bọn trẻ giờ đây sống không biết tiết kiệm tạo nên những cuộc tranh cãi không bao giờ kết thúc, gia tăng khoảng cách thế hệ. Tuy nhiên, một nghiên cứu từ cục dự trữ liên bang Mỹ đã chỉ ra rằng, Millennials là thế hệ “ôm” lấy những khoản nợ nhiều hơn các thế hệ đi trước.
Khoan hãy giật mình hay vội phán xét Gen Y, Gen Z. Nợ không chỉ là một gánh nặng mà thực sự mở ra cơ hội cho rất nhiều bạn trẻ. Thế hệ đi trước không thể tưởng tượng được người trẻ này có đa dạng các khoản “nợ” như thế nào. Đã qua rồi thời buổi khi các khoản nợ chỉ để thỏa sức chơi ngông của thế hệ nghiện ngập, cờ bạc, hút chích… Tôi thấy quanh mình những khoản nợ đem đến cho các bạn trẻ sự thay đổi cuộc sống tích cực.
4 năm sau khi miệt mài theo đuổi học bổng chính phủ, Linh bỏ cuộc. Tôi đã chứng kiến sự vật vã lên xuống của cô bạn, từ những buổi phỏng vấn đầy hứa hẹn cho tới những đêm khóc sụt sùi sau khi nhận lá thư “regret” đầy một hòm mail. Thanh xuân chẳng trở lại để nó ngậm ngùi ôm sự tiếc nuối không được đi du học. Hạ quyết tâm, Linh chấp nhận một khoản vay vài trăm triệu, chọn một trường đại học bình thường ở một quốc gia miễn học phí và bắt đầu con đường chinh phục học bổng thạc sĩ của mình. Người Việt Nam vẫn còn lạ lẫm với các khoản nợ du học hay học phí đại học nhưng tại Mỹ, các khoản nợ của học sinh cho việc học tập cao gấp 300 lần so với thế hệ trước. Không dễ dàng để cô bạn tôi có thể đưa ra quyết tâm vay 500 triệu cho 2 năm học thạc sĩ nhưng nó biết mình hoàn toàn có thể kiếm lại được nếu có cơ hội ở lại hoặc kể cả về Việt Nam.
Nếu như đi du học là một phần nhỏ, bạn ắt hẳn sẽ thấy quen thuộc với các khoản nợ ngân hàng mua nhà. Hình ảnh một người trẻ thành công từ khi nào đã gắn chặt với câu chuyện mua nhà trước tuổi 30, có công việc tốt, kết hôn hoặc sở hữu xe ô tô. Thị trường nhà đất nở rộ trong 1-2 thập kỷ gần đây tại Việt Nam chứng tỏ sức mua mạnh mẽ và độ tuổi người mua nhà ngày càng trẻ hóa. Những người bạn Hà Nội vào Sài Gòn lập nghiệp, chỉ khoảng 4-5 năm sau là ai cũng ấp ủ cho mình một căn nhà. Chưa thể có trong tay 2-3 tỷ nhưng thiếu tiền không còn phải điều đáng sợ khi các chương trình mua nhà trả góp, vay vốn ngân hàng lãi suất thấp ngày càng nhiều khiến việc sở hữu nhà chỉ nằm trong cái gật đầu của bạn và một chữ ký đáng giá vài tỷ đồng. Tôi hỏi vì sao chưa đủ tiền mà quyết mua nhà thế, một anh bạn tôi làm việc trong Sài Gòn nói.
“Phải có một khoản nợ mới có động lực kiếm tiền và biết tiết kiệm. Còn không thì cứ cuốn theo cuộc sống kiếm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu như vậy”.
Danh sách các khoản nợ của chúng tôi cứ kéo dài đến bất tận. Những khoản nợ tín dụng tiêu trước trả sau, đến cuối tháng lại nhắc nhau nhanh nhanh mà trở nợ tín dụng không lãi gấp đôi bây giờ. Các ông chủ, bà chủ trẻ mở quán cà phê, tiệm bán hoa, khởi nghiệp với cửa hàng nho nhỏ đầu tiên cũng phải chạy vạy vay nợ, ít thì nợ người thân, bạn bè; chơi lớn thì vay ngân hàng. Đằng sau những câu chuyện nợ xem chừng vui vẻ và thoải mái, có những người phải ôm các khoản nợ của người thân, cha mẹ nợ để con lớn lên phải trả. Một thế hệ trẻ trưởng thành, lập thân và lập nghiệp cùng các khoản nợ quanh mình để rồi quên mất đó là một gánh nặng hay những áp lực. Nợ chỉ đơn giản là một phần trong thói quen tài chính của mỗi cá nhân.
“Cộng sinh” với nợ và những món nợ có trách nhiệm
Không thể phủ nhận, những khoản nợ “báo nhà” hay ăn chơi đua đòi để ôm lấy những khoản nợ khổng lồ vẫn còn tồn tại. Ở một điểm nhìn tích cực và phổ quát hơn, người ta thấy mối quan hệ với nợ của người trẻ cũng đa dạng với những cái nhìn mới mẻ.
Thứ nhất, người trẻ không nhìn nợ như một gánh nặng hay một điều đáng sợ. Họ coi nợ như một động lực để nỗ lực kiếm tiền, cho phép bản thân một cơ hội để quản lý tài chính chặt chẽ và hợp lý hơn. Các khoản nợ trở không chỉ là đòn bẩy tài chính với nền kinh tế mà trở thành đòn bẩy cho từng cá nhân thay đổi. Những người như anh bạn tôi mua nhà trong Sài Gòn không ít. Khi lối sống YOLO trở thành một phần của cuộc sống hiện đại, họ vẫn cần một điều gì đó để níu chân bản thân chạm đất, không để bản thân lơ lửng với các những suy nghĩ viển vông và nợ là cách để họ nhìn lại thực tế mà mình đang trải qua. Thế hệ trẻ biết cách quản lý tài chính thông minh và cân bằng cuộc sống từ những điều không tưởng.
Thứ hai, tôi vẫn nghĩ chúng tôi biết cách “cộng sinh” với nợ để tiền bạc không trở thành một gánh nặng quá lớn trong hành trình mưu cầu những ý nghĩa tinh thần. Thế hệ bố mẹ chúng tôi đã đi qua những năm tháng tằn tiện, không dám mua quần áo mới hay chưa bao giờ nghĩ đến việc tự thưởng cho bản thân những chuyến du lịch xa xôi. Tôi ngưỡng mộ họ và luôn trân trọng những sự hy sinh của bố mẹ cho con cái. Tuy nhiên, cách tiếp cận với tiền bạc của thế hệ chúng tôi đã khác rất nhiều. Nếu như chúng ta có thể sử dụng tiền để mưu cầu hạnh phúc tinh thần, tại sao phải hy sinh sự thoải mái của bản thân cho những điều không đáng có? Nợ không phải điều gì xấu khi chúng ta chỉ đang sử dụng các khoản tiền của tương lai sử dụng cho mục đích của hiện tại. Lần đầu tiên biết “nợ”, chúng ta thấy cuộc đời của mình thay đổi đáng kể.
Sống với nợ có trách nhiệm là một điều tôi luôn tự nhủ bản thân sau những khoản vay quá thời hạn hay loay hoay không biết bao giờ trả nợ. Điều thứ ba tạo dựng một mối quan hệ đa chiều với các khoản vay nợ là việc chúng ta nên biết đủ và biết điểm dừng. Sự mê hoặc và cám dỗ của nợ sẽ khiến bạn say sưa trong những khoản tiền “từ trên trời rơi xuống”. Tôi không nghĩ rằng nợ là xấu nhưng không phải ai cũng biết quản lý tài chính cá nhân hiệu quả ở những năm tháng còn trẻ. Đi qua thanh xuân, đi qua những khoản nợ, nhiều người vững vàng nhưng cũng không ít người suy sụp. Dù thế nào đi nữa, bạn vẫn sẽ luôn có những bài học cho mình để trưởng thành.
Khi nói về Gen Y hay người trẻ ở các thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn, tôi không thể quên một bài viết nói về những “người nghèo đô thị”. Là chúng tôi, những người sống bằng các khoản vay tín dụng, bên ngoài có một cuộc sống thoải mái dư dả hào nhoáng nhưng chưa hết tháng đã hết tiền và sống bằng các khoản vay. Đằng sau một cái điểm nhìn tiêu cực và đầy bế tắc như vậy, phải nhìn kỹ vào mới hiểu được một thế giới đầy những tương tác, phức hợp và đa chiều của người trẻ. Người ngoài nhìn thấy những tuyệt vọng và ngụy tạo, chúng tôi có thể thấy cơ hội và động lực thay đổi. Vay nợ – trả nợ không phải chỉ có trắng và đen, vay nợ là xấu và trả hết nợ là tốt. Thế giới đang nỗ lực bỏ đi những hệ quy chuẩn nhị nguyên và các khoản nợ cũng vậy.
Tôi từ chối nhẹ nhàng cô nhân viên giới thiệu thẻ tín dụng không phải vì tôi thấy nó là điều gì sai trái. Chỉ là, ở tuổi 30, thanh xuân của tôi cũng đã “rực rỡ” với những khoản nợ. Đi qua các khoản nợ, tôi thắt chặt lại chi tiêu, lập kế hoạch tài chính cá nhân rõ ràng hơn và cố gắng cải thiện sức khỏe tài chính cá nhân.
Thanh xuân ai cũng đi qua các khoản nợ để một lần thấy mình trưởng thành hơn và hiểu giá trị của tiền bạc.